GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ thông tin tại Lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số, ngày 10/12.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác dân số hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề dân số thực tiễn phát sinh đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
"Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững", ông Thuấn cho biết. Cụ thể, nước ta xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Người Việt Nam sống thọ hơn
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế, tốc độ già hóa dân số ở nước ta diễn ra nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ "dân số vàng" (có nghĩa là mỗi người phụ thuộc được hỗ trợ bởi hai người trong độ tuổi lao động).
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đánh giá người dân Việt Nam hiện nay sống thọ hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng của sự phát triển.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tuổi thọ người Việt tăng mạnh lên 74,5 tuổi, trong đó, phụ nữ có tuổi thọ trung bình 77,2 tuổi, cao hơn nam giới (72,1 tuổi).
Ông Matt Jackson cho biết dân số Việt Nam bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. "Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049", ông Matt Jackson nói.
Trong đó, dân số già là khái niệm chỉ tình trạng tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% tổng dân số (tương đương tỷ lệ 14% đối với người từ 65 tuổi trở lên); còn xã hội siêu già là khi tỷ lệ người từ 60 trở lên chiếm trên 25% (tương đương tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20%).
Ông Matt Jackson cho rằng sự chuyển đổi từ một xã hội trẻ thành một xã hội già có nhiều tác động sâu rộng và chúng ta cần bắt đầu chuẩn bị cho những thay đổi dân số này ngay từ bây giờ. Các giải pháp bao gồm tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững, cũng như tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động và đầu tư vào y tế và giáo dục.
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam dù đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái).
Đồng quan điểm, ông Matt Jackson cho rằng Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi. "Điều này đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh", Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nói.
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định "bất bình đẳng vẫn đang còn là thách thức ở Việt Nam" và nêu ra loạt dẫn chứng. Theo đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa cao gấp 3-4 lần so với mức trung bình cả nước. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở thanh niên chưa kết hôn chiếm 40%, gấp 4 lần so với các cặp vợ chồng đã kết hôn.
Bên cạnh đó, bạo lực giới vẫn còn phổ biến, với gần 2/3 (62,9%) phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình trong suốt cuộc đời của mình.
Dự kiến trình Chính phủ hồ sơ Dự thảo Luật Dân số vào tháng 12
Năm nay, Bộ Y tế đã xây dựng hồ sơ đề án trình Quốc hội ban hành nghị quyết về “Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số”; hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12.
Bình luận