Thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), trong quý II/2024, ước tính doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt khoảng 85.000 tỷ đồng với trên 900 triệu sản phẩm được bán ra.
Trước đó trong quý I, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử này đạt 71.200 tỷ đồng (chưa gồm doanh thu từ các phiên livestream).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu trên 5 sàn ước khoảng 156.000 tỷ đồng, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng như quý đầu năm, Shopee vẫn vững vàng vị trí dẫn đầu, với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm đến 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada đạt 6.030 tỷ đồng với 7,6% thị phần; Tiki chỉ khoảng 998 tỷ đồng, chiếm 1,3% thị phần.
Đứng thứ 2 về doanh số và thị phần, TikTok Shop đang cho thấy sự bức phá mạnh mẽ và sẵn sàng tung chiêu cạnh tranh trục diện với các ông lớn Shopee, Lazada dù sinh sau đẻ muộn. Năm 2022, TikTok Shop mới gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhưng chỉ 1 năm sau, đến 2023, nền tảng thương mại điện tử này đã vượt Lazada, giành vị trị thứ 2 chỉ sau Shopee.
TikTok với đa dạng các điều kiện hỗ trợ nhà bán hàng như thường xuyên phát triển nhiều tuyến nội dung gây chú ý, tiếp thị, hợp tác KOL review sản phẩm, livestream bán hàng… gây ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng kinh doanh và khách hàng.
Đến cuối năm 2023, nền tảng này có gần 3 triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động thương mại. Trong khi tệp khách hàng mua sắm chủ yếu là Gen Z và Gen Y, có độ tuổi từ 12 - 40 tuổi, là độ tuổi mua sắm online thường xuyên nhất và thường mua theo các xu hướng thịnh hành trên TikTok.
Tại sự kiện TikTok SMB Summit 2024 - Bứt phá tăng trưởng kinh doanh vừa tổ chức cuối tháng 6 ở TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, đã công bố gói hỗ trợ tín dụng quảng cáo 1 triệu USD dành cho các hoạt động quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên nền tảng thương mại điện tử này. Chương trình được triển khai trong mùa kinh doanh cuối năm 2024, hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp.
Metric dự báo trong năm 2024, doanh thu và sản lượng hàng bán ra trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 sàn lớn nhất có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy nấu năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã lên 16,4 tỷ USD và năm 2023 đạt tới 20,5 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỷ trọng của nền kinh tế số.
Trong khi đó, báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam vừa được NielsenIQ Việt Nam công bố, cho thấy trung bình mỗi người Việt mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và họ dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua hàng online. Con số này cao gần gấp đôi tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt.
Mua sắm trên mạng, người tiêu dùng hiện nay đã không còn e dè với những sản phẩm không thiết yếu, rẻ tiền mà chi mạnh tay với các sản phẩm giá trị cao như máy chiếu, robot hút bụi, điện thoại, các sản phẩm làm đẹp… Trong đó, làm đẹp vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với sức mua cao nhất.
Báo cáo của Metric cho thấy riêng quý I, doanh số ngành hàng làm đẹp từ 5 sàn thương mại điện tử đạt đến 11.250 tỷ đồng.
Bình luận