Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.
Nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm, đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TP.HCM (thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 – Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, v.v… giá trị hơn 20 tỷ đồng); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ Bản – Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès), chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở Hà Đông, Hà Nội (thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những năm qua, TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động TMĐT cũng phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại.
Năm 2023, hoạt động TMĐT tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Dự báo, trong những năm tới, hoạt động TMĐT tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Để ngăn chặn những vi phạm xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đăng tải các thông tin, bài viết để tuyên truyền.
Bộ Công Thương cũng đưa ra các cảnh báo giả mạo về việc Phê duyệt dự án tham gia kiếm tiền online; Cảnh báo giả mạo về việc Phê duyệt dự án tham gia nhận quà online; Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới về "Tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu...
Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua năm 2023. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật.
Hai văn bản trên đã bổ sung trách nhiệm của các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng số có số lượng lớn người dùng tại Việt Nam trong việc kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo…;đồng thời bổ sung trách nhiệm liên đới của người có ảnh hưởng trong việc giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Một số mục tiêu cụ thể được đề ra tại Đề án như: 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Bình luận