(VTC News) - Sau 15 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ 6 đảo do quân ngụy chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa.
Kỳ 1: Người cựu binh và ký ức 15 ngày đêm giải phóng Trường Sa
Tuổi đã gần 90, nhưng Thiếu tướng Mai Năng - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công huyền thoại vẫn nhớ như in những ngày lênh đênh trên đầu sóng ngọn gió 40 năm trước. Với ông, chiến dịch giải phóng Trường Sa là một kỳ tích quân sự Việt Nam, bởi sự sáng suốt trong việc chớp thời cơ và sáng tạo khi lần đầu tiên ta dùng một lực lượng nhỏ, tinh nhuệ để giải phóng đảo.
Thiếu tướng Mai Năng cho biết, tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, chiến trường miền Nam chuyển biến rất mau lẹ, thời cơ giải phóng hoàn toàn đất nước đã tới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn nhận, chúng ta cần phải gấp rút giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa – vùng lãnh hải có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và quân sự mà quân ngụy đang nắm giữ.
Bức điện đặc biệt mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 5 và BTL Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa ghi rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, BTL Quân khu 5 và BTL Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng".
Thiếu tướng Mai Năng |
Đầu tháng 4, thiếu tướng Mai Năng nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành giữa Trung đoàn đặc công hải quân và đặc công quân khu V, với 3 tàu không số là 673, 674 và 675 của Đoàn 125 huyền thoại, ra giải phóng Trường Sa.
Lúc đó, có 6 hòn đảo đang trong quyền kiểm soát của quân ngụy, và nếu đánh đồng loạt 6 đảo thì chúng ta phải có ít nhất 9 con tàu, mỗi tàu đánh một đảo, và 3 chiếc còn lại cơ động thực hiện những nhiệm vụ khi cần thiết.
Tuy nhiên, lực lượng hiện tại chỉ có 3 tàu vận tải không số với hơn 200 con người, cho nên phương án cuối cùng được thống nhất là các chiến sĩ sẽ đánh và rút kinh nghiệm ở đảo đầu tiên giải phóng được rồi phát triển ra các đảo khác, trinh sát đến đâu sẽ đánh đến đó.
Lúc đó, có 6 hòn đảo đang trong quyền kiểm soát của quân ngụy, và nếu đánh đồng loạt 6 đảo thì chúng ta phải có ít nhất 9 con tàu, mỗi tàu đánh một đảo, và 3 chiếc còn lại cơ động thực hiện những nhiệm vụ khi cần thiết.
Tuy nhiên, lực lượng hiện tại chỉ có 3 tàu vận tải không số với hơn 200 con người, cho nên phương án cuối cùng được thống nhất là các chiến sĩ sẽ đánh và rút kinh nghiệm ở đảo đầu tiên giải phóng được rồi phát triển ra các đảo khác, trinh sát đến đâu sẽ đánh đến đó.
Ký ức Trường Sa luôn ở trong tim của Thiếu tướng Mai Năng. Ảnh tư liệu |
Thiếu tướng Mai Năng chia sẻ, đây là một nhiệm vụ rất mới và khó khăn đối với lực lượng đặc công nước. Thứ nhất là vì trước đó chỉ chuyên đánh tàu, đánh cầu, đánh cảng, hay đánh vào các căn cứ hải quân, còn lần này đánh đảo cũng có nghĩa là đánh trên bộ, địa hình hoàn toàn khác với những gì anh em đã được luyện tập.
Cái khó thứ hai là gần như tất cả các chiến sĩ lên đường giải phóng Trường Sa 40 năm trước đều chưa một lần đặt chân đến mục tiêu, đặc công mà chưa thấy, chưa đến, chưa sờ thì xem như chưa có chuẩn bị chu đáo.
Video phim tài liệu Trường Sa tháng 4/1988
Thứ ba, các đảo từ Song Tử Tây đến An Bang trong quần đảo Trường Sa có chiều dài 24 hải lý, cách xa bờ biển Đà Nẵng gần 400 hải lý, để nhanh chóng giải phóng đảo thì đó là một vấn đề không hề dễ dàng, nhất là khi lực lượng chỉ có hơn 200 con người trên 3 con tàu vận tải được ngụy trang dưới hình thức thuyền đánh cá của ngư dân.
Thế nhưng, đây là chiến dịch có tính chất lịch sử nên anh em trong đoàn nắm chặt tay nhau thề xa mấy cũng phải đi, khó mấy cũng phải đến và đến là đánh, quyết giành thắng lợi ngay từ đầu.
Biệt đội gồm 3 tàu không số chở quân đi giải phóng Trường Sa. Ảnh tư liệu |
Trong các đảo mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ, hạn chế lớn nhất của chúng là lực lượng cũng tương đối mỏng, khả năng ứng cứu từ đất liền hoặc giữa các đảo với nhau không dễ dàng, nhất là tinh thần địch lại hoang mang do những thất bại liên tiếp từ đất liền. Chúng ta chọn đánh đảo Song Tử Tây đầu tiên, vì đây là chỗ yếu nhất và cũng để thăm dò những phản ứng của đối phương, và làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại.
Ngày 11/4/1975 lực lượng giải phóng đảo trên 3 con tàu không số được cải trang thành tàu đánh cá hướng về phía Trường Sa. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ, đặc công đều nằm dưới hầm tàu, phía trên là lưới, ngư cụ dùng để nghi binh. Tuy nhiên, vừa mới đi được vài chục hải lý, thì trên bầu trời xuất hiện máy bay địch quần thảo thăm dò.
Nhằm đánh lạc hướng, thiếu tướng Mai Năng hạ lệnh: Tiếp tục hành trình, hướng ra vùng biển quốc tế và phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) như những tàu đánh cá của nước ngoài. Sau vài lần quần đảo, thăm dò, máy bay địch bỏ đi, đoàn tàu không số quay lại hướng Trường Sa thẳng tiến.
Sau 3 ngày hành quân trên biển, những chiếc tàu không số đã áp sát đảo Song Tử Tây. Giả dạng là tàu đánh cá, tàu của ta tiến hành trinh sát để rồi 4 giờ sáng ngày 14/4/1975, tàu 673 tiếp cận đảo, chia làm ba mũi bí mật đổ bộ.
Mũi một có trang bị hỏa lực B40, B41 và một khẩu DKZ đánh từ hướng nam của đảo. Mũi hai đánh từ hướng tây của đảo cũng được trang bị B40 và B41. Mũi ba gồm hai tổ đặc công đánh từ hướng đông nam của đảo. Các mũi đã bí mật áp sát các mục tiêu mà địch không hề hay biết.
Mũi một có trang bị hỏa lực B40, B41 và một khẩu DKZ đánh từ hướng nam của đảo. Mũi hai đánh từ hướng tây của đảo cũng được trang bị B40 và B41. Mũi ba gồm hai tổ đặc công đánh từ hướng đông nam của đảo. Các mũi đã bí mật áp sát các mục tiêu mà địch không hề hay biết.
Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu |
Thiếu tướng Mai Năng kể lại, lúc xuất quân xuống nước được 30 phút, bắt đầu áp sát bãi san hô thì bất ngờ ông nhận được mệnh lệnh dừng lại, khoan đánh Song Tử Tây. Bản thân ông Năng lúc ấy chưa hiểu nguyên nhân gì. Suy nghĩ một lúc, ông quyết định dừng mọi liên lạc với đất liền vì sợ địch sẽ phát hiện, đồng thời lệnh cho thuyền trưởng tàu 673 nhanh chóng tổ chức lực lượng, triển khai giải phóng đảo.
Sau khi hiệu lệnh từ khẩu súng DKZ của đội trưởng Nguyễn Ngọc Quê phát ra, các mũi tiến công nhất loạt ào lên tấn công dữ dội. Địch bị đánh bất ngờ, chúng chống cự yếu ớt và đầu hàng chỉ sau 30 phút. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát treo lên đỉnh cột cờ phía đông đảo Song Tử Tây.
Còn tiếp...
Hải Minh – Minh Khang
Bình luận