Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.
Một tuần sau đó (17/10), Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chính thức công bố kết quả Chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu được sản xuất tại các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh thành và đang bán trên thị trường của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu nước mắm đều có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu được khảo sát (bao gồm: nitơ toàn phần; nitơ axit amin, nitơ ammoniac, arsen và hàm lượng muối) không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.
Đáng báo động là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng arsen tổng (thạch tín) đều vượt ngưỡng quy định.
Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0 mg/l.
Thông báo của VINASTAS cho hay, có đến 67% (101/150 mẫu) không đạt quy định của QCVN. Hàm lượng arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5mg/L, 87% số mẫu có độ đạm trên 25 và 95,65 % số mẫu có độ đạm trên 40 được đánh giá có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định.
Nói một cách ngắn gọn, độ đạm càng cao thì hàm lượng arsen càng lớn. Arsen là thạch tín, mà thạch tín là chất độc có thể dùng đầu độc người chết một cách dễ dàng.
Nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống có độ đạm cao nên arsen nhiều hơn, trong khi nước mắm công nghiệp lại khống chế được lượng arsen này ở mức an toàn vì là… công nghiệp.
Báo cáo không nói rõ, sự vượt ngưỡng arsen hữu cơ như hiện nay có an toàn hay không. Đó là những chi tiết không hiểu vô tình hay hữu ý giúp nước mắm công nghiệp dường như an toàn hơn nước mắm truyền thống.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, một chuyên gia về arsen của ĐHKHTN – ĐHQG, arsen trong nước mắm là an toàn vì đó là arsen hữu cơ mà báo cáo của VINASTAS không nói gì đến arsen vô cơ, đây là sự mập mờ trong báo cáo.
“Nước mắm vẫn được người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống nhiều năm nay. Vì thế, khi công bố thông tin liên quan đến nước mắm - một thông tin nhạy cảm như vậy - thì phải rất thận trọng”, vị chuyên gia arsen bức xúc.
Trò đánh lận con đen này được báo chí đưa lên hàng tít đầu vì họ đang cần views, người tiêu dùng hốt hoảng, có người thề không dùng nước mắm vì ăn là tự giết mình.
Việt Nam có dân số từ 30 triệu những năm 1960 thế kỷ trước nay đã lên tới 90 triệu dù chương trình kế hoạch hóa gia đình rất khắt khe, nhà nhà ăn nước mắm, người người ăn nước mắm, tây lấy ta cũng mê nước mắm, ta sang tây cũng vác nước mắm để hội nhập. Chưa thấy thống kê khoa học nào nói có bao nhiêu người Việt chết vì nhiễm độc arsen trong nước mắm.
Có thể nói, báo cáo của VINASTAS đã giải cứu nước mắm công nghiệp đang bị Thủ tướng yêu cầu điều tra. Một đòn chết hai, vừa giải thích cho Thủ tướng, vừa hạ đòn độc đối với nước mắm truyền thống, quảng cáo cho nước mắm công nghiệp.
Không hiều VINASTAS đang đứng về phía nào và một số nhà báo đang giúp ai nếu chỉ cố tình đăng tin xấu về arsen trong nước mắm truyền thống.
Tây sang ta thấy mùi nước mắm có vẻ hơi khắm và thường là bịt mũi. Ta sang tây thấy món pho mát (cheese) lên men cũng có mùi không lấy gì làm sạch sẽ lắm. Nhưng khi ăn quen thì lại mê và nghiện luôn vị khăm khắm này.
Tuy nhiên, báo cáo của VINASTAS đang làm rối loạn thị trường nước có mùi đặc biệt, gây thiệt hại cho người sản xuất truyền thống, tung hỏa mù vào người tiêu dùng vào thời điểm nhậy cảm.
Không hiểu VINASTAS - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam – có còn tiêu chuẩn nào để tồn tại và có bảo vệ ai như cái tên gọi của họ.
Chỉ biết rằng, mấy ngày nay, báo cáo về nước mắm của VINASTAS đang “bốc mùi khắm” của arsen, những người có chút hiểu biết phải bịt mũi mà đọc những tin về thạch tín.
Bình luận