Ngày 24/6, cả thế giới hồi hộp chờ đợi Brexit (phong trào ủng hộ nước Anh rời liên minh châu Âu) đi đến hồi kết. Kết quả lấy phiếu bầu cho thấy Brexti được ủng hộ. Thông tin này khiến thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu lao dốc. Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam không phải ngoại lệ.
Trong phiên giao dịch sáng 24/6, khi kết quả Brexit mới phần nào được hé lộ, VN-Index đã lao dốc, mất hơn 22 điểm. Tới đầu giờ chiều, khi kết quả chính thức được công bố, VN-Index rơi tự do, mất 34 điểm và mất mốc 600 điểm. Cùng với đà giảm mạnh mẽ của VN-Index, vốn hóa thị trường của sàn Tp.HCM “bốc hơi” khoảng 75.000 tỷ đồng (tương ứng 3,3 tỷ USD).
Có những thời điểm, trên sàn giao dịch điện tử, các mã giảm sàn chiếm ưu thế. Nhà đầu tư sợ hãi tới mức bên bán, lệnh bán giá sàn chất đầy nhưng bên mua hoàn toàn trống trơn.'
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 15 phút hoảng loạn, dòng tiền lớn bất ngờ được đổ vào thị trường và “cứu giá” VN-Index. Kết phiên, thay vì mất 34 điểm, VN-Index “chỉ” giảm 11,5 điểm, tương ứng 1,82% và dừng ở mức 620,77 điểm. Có lẽ VN-Index sẽ là một trong các chỉ số chứng khoán giảm nhẹ nhất ở thị trường châu Á hôm nay. Nhờ đó, thay vì “bốc hơi” 75.000 tỷ đồng, chứng khoán Việt Nam “chỉ” mất gần 30.000 tỷ đồng.
Đà giảm tập trung vào nhóm cổ phiếu đại gia nên chỉ số VN30-Index giảm mạnh hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 24/6, VN30-Index giảm 13,81 điểm, tương ứng 2,2% xuống 612,69 điểm. Đa số các cổ phiếu có giá đều lao dốc mạnh.
Là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường Việt Nam, hôm nay CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec chịu mất mát nhiều nhất khi giảm 5.000 đồng/CP xuống 195.000 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec “bốc hơi” 234 tỷ đồng.
DMC của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco cùng nằm trong Top các cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong phiên 24/6. Đóng cửa phiên, DMC giảm 4.500 đồng/CP xuống 67.000 đồng. DMC “thổi bay” 156 tỷ đồng vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco.
Thời gian này, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có tốc độ tăng khá ấn tượng. Nhưng hôm nay, HPG không ngược dòng thành công. HPG giảm 1.300 đồng/CP xuống 38.800 đồng/CP. Vì HPG, vốn hóa thị trường Hòa Phát hao hụt 953 tỷ đồng.
Là cổ đông lớn nhất ở Hòa Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Long giảm 240 tỷ đồng xuống 7.152 tỷ đồng. Dù vậy, ông Long vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nếu nước Anh rời châu Âu, đồng Yên Nhật (JPY) sẽ là ngoại tệ được hưởng lợi nhiều nhất khi tăng mạnh so với USD, GBP, AUD. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nào vay JPY nhiều sẽ phải gánh chịu áp lực trả nợ lớn. Trên sàn chứng khoán Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) khá “nổi tiếng” khi khoản nợ khủng của công ty chủ yếu là JPY.
Vì vậy, cổ phiếu PPC cũng nằm trong danh sách các mã giảm mạnh. PPC giảm 600 đồng/CP xuống 14.400 đồng/CP. PPC “thổi bay” 197 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại.
Trong khi đa số các cổ phiếu lớn đều suy giảm, MWG đã trở thành hiện tượng khi duy trì được đà tăng trưởng tốt. Chốt phiên, MWG tăng 7.000 đồng/CP lên 122.000 đồng/CP. Nhờ MWG đi ngược chiều thị trường, vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động có thêm 1.028 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động là người được hưởng lợi nhất nhờ MWG. Hôm nay, tài khoản của ông Tài nhận thêm 26 tỷ đồng.
NT2 của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng là cổ phiếu “ngược dòng” thành công. Thậm chí, NT2 còn thành công hơn MWG khi dừng ở mức giá trần. Đóng cửa phiên 24/6, NT2 tăng 2.200 đồng/CP lên 34.800 đồng/CP.
Trong bối cảnh hàng loạt đại gia mất mát lớn, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 được nhận 627 tỷ đồng vốn hóa thị trường.
Bình luận