• Zalo

Ngôi sao đang văng ra khỏi Dải Ngân hà với tốc độ chóng mặt

Khám pháThứ Tư, 18/08/2021 09:58:21 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà nghiên cứu phát hiện một ngôi sao đang văng ra khỏi Dải ngân hà với tốc độ lên tới 3,2 triệu km/h.

Cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng, một ngôi sao đang phóng về rìa của Dải Ngân hà với tốc độ 3,2 triệu km/h. Ngôi sao đặc biệt này được đặt tên là LP 40−365 - một trong những dòng sao di chuyển với tốc độ nhanh hiếm có.

LP 40−365 thực chất là phần sót lại sau vụ nổ sao lùn trắng khổng lồ.

"Ngôi sao này di chuyển nhanh đến mức gần như chắc chắn nó sẽ rời khỏi thiên hà",  phó giáo sư JJ Hermes tới Đại học Khoa học và nghệ thuật Boston cho biết. 

Ngôi sao đang văng ra khỏi Dải Ngân hà với tốc độ chóng mặt - 1

Mô phỏng hệ sao nhị phân của LP 40−365. (Ảnh: WTN)

Theo nghiên cứu của Hermes và các cộng sự, việc LP 40−365 có thể sống sót sau một vụ nổ siêu tân tinh là điều độc đáo. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng LP 40−365 không chỉ bị văng khỏi Dải thiên hà, mà nó còn đang quay theo cách của mình.

“Ngôi sao về cơ bản bị bắn ra từ vụ nổ và chúng tôi đang quan sát vòng quay của nó trên đường thoát ra ngoài. Chúng tôi tìm hiểu lý do tại sao nó lên tục sáng rồi mờ đi. Lời giải thích đơn giản nhất là chúng tôi thấy thứ gì đó trên bề mặt của nó xuất hiện cứ sau 9 giờ. Với mảnh sao còn sót lại sau vụ nổ tân tinh, tốc độ quay 9 giờ được xem là tương đối chậm”, Putterman, tác giả thứ hai của bài báo cho biết. 

Siêu tân tinh xảy ra khi một sao lùn trắng trở nên quá lớn để chống đỡ sức nặng của chính nó. Việc tìm ra tốc độ quay của một ngôi sao như LP 40−365 sau một vụ nổ siêu tân tinh có thể dẫn tới manh mối về hệ thống sao đôi ban đầu mà nó hình thành. 

Trong vũ trụ, các sao thường xuất hiện theo cặp, bao gồm cả sao lùn trắng. Nếu một sao lùn trắng hút quá nhiều vật chất từ đối tác, nó có thể phát nổ, dẫn tới vụ nổ siêu tân tinh. Tuy nhiên, rất khó để xác định trong cặp sao đôi, sao nào phát nổ, sao nào bị ăn mòn khối lượng. 

Trong trường hợp của LP 40−365, dựa vào tốc độ quay của nó, các nhà nghiên cứu tin rằng nó là một phần của ngôi sao “tham ăn”. Những ngôi sao như LP 40–365 không chỉ là ngôi sao nhanh nhất mà các nhà thiên văn từng biết đến mà còn là những ngôi sao giàu kim loại nhất từng được phát hiện. 

Các ngôi sao như mặt trời của chúng ta được cấu tạo từ heli và hydro, nhưng một ngôi sao đã sống sót sau một siêu tân tinh như LP 40–365 chủ yếu được cấu tạo từ vật liệu kim loại. “Bởi những gì chúng ta đang thấy là sản phẩm phụ của các phản ứng hạt nhân dữ dội xảy ra khi ngôi sao tự nổ tung”, ông Hermes cho biết.

Diệu Hoa(Nguồn: Phys)
Bình luận
vtcnews.vn