Học sinh càng học càng dốt
Đó là câu hỏi day dứt của thầy Nguyễn Sỹ Thông - giáo viên (GV) môn Ngữ văn tại Hà Tĩnh, một trong những địa phương “đi đầu” trong chương trình thí điểm VNEN. “Nói là chương trình thử nghiệm, thí điểm, nhưng triển khai tràn lan, bắt buộc. GV, nhà trường lúng túng, học sinh (HS) càng học càng kém. Và hiện nay, chương trình này vẫn tiếp tục, không biết bao giờ kết thúc?”, thầy Thông nói.
Thầy Thông gửi cho chúng tôi một tấm ảnh chụp bìa sách VNEN “Hướng dẫn học Khoa học xã hội” lớp 7, tập 2, ghi rõ là “Sách thử nghiệm”, rồi ngao ngán: “Nói là thử nghiệm, nhưng mấy năm nay, họ không hề hỏi GV, cũng như nhà trường, HS, là chương trình hay dở chỗ nào, có muốn dạy, học nữa hay không?".
Những câu hỏi chất vấn, nghi ngờ về chất lượng chương trình tại diễn đàn Quốc hội dành cho Bộ trưởng (ông Phạm Vũ Luận) những năm trước, và các hội nghị HĐND các cấp, các cuộc tiếp xúc cử tri trên cả nước đã và đang tiếp tục vang lên. Những cuộc tụ tập đông người, “vây” cổng trường với một yêu cầu duy nhất: “Bỏ VNEN, vì con em “càng học càng kém”".
Trước sức ép từ các địa phương, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai VNEN, nêu rõ: Triển khai trên tinh thần tự nguyện.
Nghịch lý “thử nghiệm đại trà” và “không thời hạn” này bao giờ mới chấm dứt?
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi bàn về việc chuyển GV sang hợp đồng, cho rằng thu nhập của nhà giáo là “món nợ” của ông trong nhiệm kỳ Bộ trưởng.
Thiết nghĩ, trước khi giải quyết vấn đề thu nhập nhà giáo, vốn rất khó và vượt tầm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hãy trả lời cho ngành giáo dục và nhân dân biết: VNEN bao giờ kết thúc “thử nghiệm”? Và ai phải chịu trách nhiệm, về những hệ lụy (nếu có) của chương trình?.
VNEN đã thất bại
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, chương trình VNEN đã thất bại, sau khi sử dụng hết kinh phí dự án được tài trợ 84,6 triệu USD.
TS. Phạm Thị Ly (thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực) khẳng định: “Kết quả thực hiện dự án mô hình trường học mới (VNEN) và Thông tư 30 về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông để lại bài học đắt giá về tính khả thi của mọi nỗ lực cải cách. VNEN và Thông tư 30 đều dựa trên những ý tưởng đúng đắn, nhưng đã vấp phải phản đối quyết liệt của cả giáo viên lẫn phụ huynh ở nhiều nơi…”.
Video: Giáo viên TPHCM được vay 500 triệu đồng mua nhà
Từ thất bại của dự án VNEN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm sâu sắc, trước khi thực hiện (hay đề xuất) “thí điểm” việc bỏ viên chức, công chức trong GV, chuyển toàn bộ GV sang hợp đồng.
Bởi lẽ nếu không có sự nghiên cứu sâu sắc về thực trạng đội ngũ, cơ chế quản lý, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các yếu tố cơ chế quản lý, cơ chế bảo vệ người lao động, hành lang pháp lý, dự liệu và giải quyết tất cả các tình huống phát sinh, thì sẽ xảy ra hậu quả khôn lường.
Tự chủ tuyển GV đã từng "thất thủ"
Trước khi nghĩ đến việc chuyển toàn bộ GV từ biên chế sang hợp đồng, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT hãy thực hiện các giải pháp “giải phóng” thời gian cho GV: Bỏ bớt các cuộc thi, các hình thức đánh giá vô bổ, trói buộc GV (ví dụ đánh giá qua sổ sách, “sáng kiến kinh nghiệm”), xóa bỏ tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, GV…
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đã được áp dụng từ sau Nghị định 43/2006. Tại Nghệ An, sau khi các hiệu trưởng được giao quyền tuyển dụng GV, thì xảy ra không ít trường hợp lạm quyền, chạy chọt… dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực, tuyển dụng, ký hợp đồng tràn lan, vượt quá chỉ tiêu. Sau đó, Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An phải “thu” lại quyền này.
Bình luận