Tối 27/3, khán giả trẻ Việt Nam đón đoàn múa dân gian Ấn Độ Pratibha Kala Kendra đến giao lưu và biểu diễn tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Buổi biểu diễn nằm trong chuỗi các sự kiện giới thiệu đoàn múa dân gian Ấn Độ tại các tỉnh thành Việt Nam từ 26-31/3, do Đại sứ quán Ấn Độ, phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức.
Nghệ sĩ múa Pratibha Sharma, trưởng đoàn cho biết, cô đã từng đến Việt Nam vào năm 2007 và biểu diễn ở TP.HCM và Hà Nội. Khi đó vấn đề duy nhất của cô là rào cản ngôn ngữ, nhưng cô nghĩ tình cảm từ bên trong có thể kết nối mọi người dù không cần có thứ ngôn ngữ nào.
"Khi bên trong chúng ta có sự đồng điệu, tích cực, nhất là khi chúng ta muốn kết nối mọi người thông qua văn hóa, thì đó chính là cách biểu đạt chạm đến mọi người. Tôi nghĩ về điểm này thì văn hóa Việt Nam cũng có sự tương đồng với Ấn Độ. Hay nói một cách ngắn gọn chúng ta đều nghĩ về cả thế giới như một gia đình", nghệ sĩ Sharma cho biết.
Các nghệ sĩ mang đến Việt Nam 5 tiết mục múa, với các câu chuyện khác nhau xoay quanh cuộc đời và tình yêu của thần Krishna và Radha và lễ hội mùa xuân. Các câu chuyện được thể hiện bằng âm nhạc và các động tác dân gian, trang phục độc đáo đậm bản sắc văn hóa Ấn Độ.
Tiết mục đầu tiên, "Brajvandna", tái hiện nghi lễ cầu nguyện tưởng nhớ đến thần Krishna và Radha, thường mở đầu các sự kiện để cầu chúc thành công. Tiết mục thứ hai, "MayurRaas", kể về tình yêu của nàng Radha dành cho thần Krishna, với điểm đặc biệt là các nghệ sĩ hóa thân vào hình dáng những con công, tượng trưng cho thiên nhiên, thể hiện thông điệp về lan tỏa tình yêu đến thế giới, nhân loại.
Tiết mục thứ ba là một phân đoạn của vở múa "Raasleela", tái hiện lại mối gắn kết giữa thần Krishna và những người tôn sùng. Tiết mục thứ tư là "Barsaneki Lathamar Holi", điệu múa truyền thống được trình diễn trong dịp Lễ hội Holi (Sắc màu), mùa xuân ở miền Bắc Ấn Độ. Tiết mục cuối cùng là Phoolonki Holi (Holi và hoa), điệu múa ăn mừng với hoa trong lễ hội Holi.
Sâu sắc hơn quan hệ giao lưu nhân dân
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya hy vọng các tiết mục văn hóa dân gian của Ấn Độ sẽ được khán giả Việt Nam đón nhận, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Theo đại sứ, các điệu múa dân gian Ấn Độ được trình diễn lần này là những điệu múa gần gũi với những người dân bình thường, mà khán giả có thể thấy giai điệu, động tác uyển chuyển và linh hoạt hơn chứ không đi theo những quy tắc nghiêm ngặt như các điệu múa cổ điển. Nó cũng thể hiện cách mà các thế hệ người Ấn Độ đã sống trong hàng nghìn năm nay, hấp thụ nhiều yếu tố văn hóa ở khu vực phía Bắc đất nước này.
"Từ phía Ấn Độ, tôi thấy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước là một thành tố rất quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta. Và muốn xây dựng mối quan hệ này thì đòi hỏi việc hiểu biết lẫn nhau cũng như việc hiểu văn hóa của nhau.
Nên màn trình diễn hôm nay đưa một nhóm múa dân gian truyền thống của Ấn Độ đến với các khán giả trẻ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với ý tưởng giới thiệu một chút văn hóa dân gian Ấn Độ, các điệu múa và âm nhạc Ấn Độ, cho sinh viên. Thông qua những hoạt động này, tôi mong rằng văn hóa Ấn Độ sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam, những người bạn rất ấm áp và hào phóng", Đại sứ nói.
Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với cả Ấn Độ và các nước khác, là một trong những nỗ lực để gia tăng hiểu biết của sinh viên về các nền văn hóa trên thế giới, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. "Chúng tôi hiểu rằng việc giao lưu văn hóa là một nền tảng và động lực lớn để các em có thể trở thành công dân toàn cầu".
Theo ông Nguyễn Phong Điền, hiện tại trường cũng đang có những hoạt động trao đổi giảng viên với phía Ấn Độ và sắp tới hướng đến trao đổi sinh viên. "Ấn Độ là một nước có thế mạnh về công nghệ thông tin, và chúng tôi sẵn sàng kết nối, ký kết hợp tác với các trường nổi tiếng của Ấn Độ trong lĩnh vực này".
Ngoài Hà Nội, đoàn múa Ấn Độ cũng sẽ biểu diễn tại Hà Nam, Lào Cai, Thái Nguyên và Yên Bái.
Bình luận