Số liệu trên vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố trong báo cáo hoạt động ngân hàng quý III/2020.
Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết đến trước diễn biến của dịch COVID-19, cơ quan này đã phải kiểm soát quy mô tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng rất yếu trước tác động của dịch nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ. Đến ngày 16/9, tín dụng mới tăng 4,81% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ tăng 9,4% (hết tháng 9/2019).
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay cũng là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.
Số tăng trưởng tín dụng nói trên tương đương với việc các ngân hàng đã giải ngân ra nền kinh tế hơn 394.200 tỷ đồng cho vay từ đầu năm, tương đương gần 1.540 tỷ/ngày.
Trong khi đó, đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. Ước tính, tổng phương tiện thanh toán đã tăng gần 801.500 tỷ từ đầu năm.
Như vậy, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung hơn 407.000 tỷ đồng thanh khoản sau gần 9 tháng qua chênh lệch giữa tăng trưởng M2 và tín dụng.
NHNN cũng cho biết đã phê duyệt hầu hết phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính của các ngân hàng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Hiện tại, các ngân hàng cũng đạt tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đã được xử lý.
Ngoài ra, hầu hết ngân hàng hiện nay đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016 và phương pháp tiêu chuẩn của Basel II. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 2%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7 năm nay, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 1,113 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, 7 tháng từ đầu năm nay xử lý khoảng 63.700 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, tổng dư nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình 7.150 tỷ/tháng, cao gấp đôi so với giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình 3.520 tỷ/tháng).
Trong hoạt động hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến ngày 14/9, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; số dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất gần 1,18 triệu tỷ đồng. Doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-2,5%) lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng với 310.000 khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ cho hơn 162.000 khách với dư nợ khoảng 4.067 tỷ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ với gần 1.600 tỷ, cho vay mới trên 55.000 tỷ đồng…
Bình luận