Nói về ẩm thực thì Việt Nam chẳng thua kém bất kỳ quốc gia nào, từ số lượng các món ăn, hương vị độc đáo cho đến cách nấu nướng, chế biến cầu kỳ… Ngay cả các món ăn ngoại khi được du nhập vào Việt Nam, qua sự sáng tạo, bàn tay khéo léo của ông cha đã trở thành những đặc sản nổi tiếng, hợp với khẩu vị người Việt, đến mức nhiều người còn không nhận ra đó là những món ăn có nguồn gốc từ nước ngoài.
Bánh mì
Món ăn có tên gọi đã được công nhận trong từ điển Oxford toàn cầu của Việt Nam thực chất có nguồn gốc từ Pháp. Những ổ bánh mì đầu tiên du nhập đến nước ta vào năm 1859 với tên gọi là bánh mì Baguette. Sau đó, người Sài Gòn đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 – 40 cm. Ổ bánh mì được biến chế và thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người Việt Nam.
Theo thời gian, bánh mì Việt đã trở thành món ăn đường phố nổi tiếng toàn cầu, chinh phục các vị khách từ Á đến Âu. Gần như khi được hỏi về Việt Nam, ngoài phở thì người nước ngoài nào cũng sẽ biết tới bánh mì.
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu là món ăn khá phổ biến, tùy từng địa phương sẽ có những sự thay đổi, linh hoạt trong nguyên liệu, nhưng cơ bản về nước dùng và sợi hủ tiếu thì khá giống nhau.
Người nước ngoài cũng rất thích thú với hủ tiếu - món ăn này cũng nằm trong checklist ẩm thực của họ khi đến Việt Nam. Thế nhưng, ít người biết hủ tiếu lại là một món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, do cộng đồng người Hoa ở Nam Vang (tên phiên âm Hán Việt của thủ đô Phnom Penh) sáng tạo và đưa vào Việt Nam, sau đó thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Bánh bao
Là món ăn bình dân quen thuộc với người Việt, có thể ăn thành bữa no hoặc lót dạ bất cứ buổi nào trong ngày, tuy nhiên thực chất bánh bao vốn có xuất xứ từ Trung Quốc. Phiên bản bánh bao Trung Quốc truyền thống có nhiều gia vị và nguyên liệu hơn so với Việt Nam, nhưng cơ bản cũng khá tương đồng.
Mì vằn thắn (hoành thánh)
Mì vằn thắn có xuất xứ từ Quảng Đông. Khoảng thập niên ba mươi của thế kỉ trước, những người Hoa di cư đã mang món ăn này du nhập vào Hà Nội. Ban đầu món mì không được lòng nhiều người do sự khác biệt về khẩu vị giữa hai nước. Thế rồi dưới bàn tay pha chế của người đầu bếp, món mì được thay đổi để hợp với khẩu vị người Việt và có những nét đậm đà riêng.
So với bản gốc ở Trung Quốc, mì vằn thắn Việt Nam có khá nhiều cải tiến: mùi vị nhẹ nhàng chứ không quá đậm vị thuốc bắc, nước dùng trong và ít chất béo hơn, ăn vào không có cảm giác nặng bụng như món gốc. Nhưng nếu muốn tìm nơi bán mì vằn thắn chuẩn vị gốc ở Việt Nam, bạn có thể ghé các nhà hàng Trung Hoa, do người Hoa mở để thưởng thức.
Bình luận