• Zalo

Bánh mì Việt Nam: Từ món ăn vỉa hè đến 'top' món ngon thế giới

Giới trẻThứ Năm, 27/02/2020 10:50:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Bánh mì Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford để phân biệt với các loại bánh nổi tiếng khác trên thế giới như baguette của Pháp, Doner kebab của Thổ Nhĩ Kỳ hay Naan của Ấn Độ.

Món ăn vỉa hè du nhập từ Pháp

Bánh mì du nhập vào Việt Nam khi quân đội viễn chinh của Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859. Với người dân Pháp, bánh mì là tinh hoa của ẩm thực nước nhà, là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày giống như bát cơm tẻ của người Việt. 

Thời kỳ đó, bánh mì trong tâm thức của người dân Việt chỉ là món bánh ăn chơi. Nhưng rồi, nhu cầu ăn bánh mì của người dân dần tăng lên. Đây cũng là lúc những lò bánh mì ngày càng nở rộ.

Những năm 50 - 60 của thế kỷ 20, sự phát triển mạnh mẽ của những lò bánh mì cũng kéo theo quá trình tạo ra những sản phẩm mới để có thể cạnh tranh. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ bánh, các ổ bánh mì dần được cải tiến.

Bánh mì Việt Nam: Từ món ăn vỉa hè đến 'top' món ngon thế giới - 1

Bánh mì Hoà Mã nằm trên phố Cao Thắng (TP. HCM) là tiệm bánh mì đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: TTVN)

Cửa hàng bánh mì Sài Gòn đầu tiên ra đời năm 1958 với món bánh khác lạ, cũng là bánh mì Pháp nhưng ăn cùng pate, thịt, chà bông, rau và dưa chua... Bánh mì thời đó được bán trên những chiếc xe đẩy, phục vụ phần lớn cho tầng lớp lao động. Bánh mì thời gian này được sản xuất trong những lò gạch truyền thống kiểu Pháp.

Sang những năm đầu 70, các xưởng sản xuất bánh mì dần thay thế lò gạch bằng lò điện của Nhật giúp các thợ bánh gia tăng hiệu suất.

Bên cạnh đó, với chiếc lò nướng của Nhật này, hơi nước bên trong được giữ lại với nhiệt độ cao, những chiếc bánh mì trở nên giòn rụm, rỗng ruột và xốp hơn, khác biệt hẳn so với bánh mì baguette kiểu Pháp có phần ruột đặc, vỏ dày và mềm, thơm vị bơ sữa. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên bánh mì Việt Nam mà không nơi nào có.

Bánh mì Việt Nam: Từ món ăn vỉa hè đến 'top' món ngon thế giới - 2

Những chiếc bánh mì vỏ giòn, rỗng ruột, thơm mùi bột mì mới là dấu ấn rất riêng của bánh mì Việt. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Sau năm 1975, khái niệm "bánh mì thùng phi" (hay "thùng phuy") ra đời nhờ những chiếc lò đầy sáng tạo từ thùng phi để phục vụ việc kinh doanh hiệu quả hơn. Những chiếc lò này có cấu tạo đơn giản, được tạo nên từ những chiếc thùng 200 lít cùng những lỗ thông khí được bố trí một cách hợp lý.

Từ cấu tạo đơn giản và khả năng làm ra những ổ bánh mì không kém gì các loại lò khác, lò “thùng phi” nhanh chóng trở thành trào lưu tại khắp Sài Gòn. Thời kì đó cũng là lúc các tay thợ danh tiếng thi thố tài năng, cạnh tranh bằng tay nghề chuyên môn của mình.

Bánh mì Việt lọt "top" thế giới

Cứ như vậy, bánh mì Việt Nam dần được hoàn thiện cho đến ngày nay. Từ cái nôi Sài Gòn, bánh mì đã đi khắp cả nước từ Nam ra Bắc, ở mỗi nơi đều được các thợ làm bánh biến tấu cho phù hợp với hương vị từng vùng miền. Dần dần, bánh mì trở thành một nét văn hoá đặc sắc trong nền ẩm thực nước ta, thu hút bạn bè quốc tế. 

Theo đánh giá của một số tờ báo chuyên về ẩm thực của Mỹ, bánh mì kẹp thịt của những cửa hàng người Việt là món ăn có hương vị đặc trưng với vỏ ngoài giòn rụm nhưng ruột bên trong lại mềm, nhân bánh vừa đậm đà lại vừa cay nồng.

Tháng 3/2011, từ "Bánh Mì", nhằm để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam đã có mặt trong từ điển Oxford. Báo giới công nhận rằng bánh mì kẹp Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Bánh mì Việt Nam: Từ món ăn vỉa hè đến 'top' món ngon thế giới - 3

Bánh mì dần trở thành món ăn mang thương hiệu Việt Nam. (Ảnh: Vietnamisawesome)

Bài viết The world's best street food (Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới) trên tờ The Guardian tháng 12/2012 có đoạn: "Một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich (bánh mì) ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí thành phố New York, mà trên các đường phố của Việt Nam.

Nó bắt đầu với một baguette nhẹ nướng trên than. Sau khi một chút mayonnaise và một lớp mỏng của pate, vỏ giòn là đầy thịt, rau giòn ngâm và các loại rau tươi. Sau đó nó thường được gia vị với một vài giọt nước tương và gia vị ớt cay".

Năm 2014, Andrea Nguyễn xuất bản cuốn sách The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches, được National Public Radio nêu danh là một trong những sách dạy nấu ăn tốt nhất trong năm.

Với sự trợ giúp của Andrea Nguyễn, đầu bếp Robyn Eckhardt có một chuyến du hành khảo sát tại TP.HCM để xác định những địa chỉ bán bánh mì ngon nhất và sau đó viết bài Finding Saigon’s best banh mi (Đi tìm bánh mì ngon nhất Sài Gòn) trên trang mạng Eating Asia.

Trong dịp đến thăm Việt Nam, nhiều chính khách nước ngoài cũng không quên nếm thử hương vị của bánh mì như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn