Ngày 4/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang trong giai đoạn đầu điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình trước những đe dọa từ phương Tây thông qua cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Moskva sẽ phân tích kỹ tình hình căng thẳng hiện tại và dựa vào đó để đề xuất các thay đổi về học thuyết hạt nhân.
Tuyên bố trên được Điện Kremlin đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố nước này sẽ sửa đổi học thuyết về cách sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng với động thái leo thang của phương Tây trong cuộc xung đột tại Ukraine, nhưng không đề cập nội dung cụ thể.
Theo ông Peskov, việc Nga tuyên bố chỉnh sửa học thuyết hạt nhân có liên hệ trực tiếp với "các mối đe dọa" do phương Tây tạo ra, đồng thời cáo buộc Mỹ đã phá hủy cấu trúc an ninh châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng phương Tây đã từ chối đối thoại với Nga, chọn cách tấn công các lợi ích an ninh hợp pháp của Moskva, đồng thời tiếp tục châm ngòi "cuộc chiến nóng bỏng tại Ukraine".
"Mỹ chính là đạo diễn của quá trình gây căng thẳng", ông Peskov tuyên bố.
Phát biểu của ông Peskov là lời giải thích chi tiết nhất cho đến nay của Nga về lý do nước này điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Hiện chưa rõ học thuyết này sẽ được điều chỉnh ở phạm vi nào.
Học thuyết hạt nhân của Nga được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị kẻ thù tấn công bằng vũ khí nguyên tử hoặc vũ khí thông thường, có khả năng đe dọa đến tồn vong của quốc gia.
Một số nhà phân tích quân sự theo đường lối cứng rắn của Nga đang kêu gọi Tổng thống Putin hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhằm khiến kẻ thù ở phương Tây "tỉnh ngộ".
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 88% vũ khí hạt nhân của thế giới. Cả hai đều đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trong khi Trung Quốc cũng nhanh chóng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, và hai bên đều nhấn mạnh không thể để thua trong cuộc xung đột này.
Bình luận