• Zalo

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 17/08/2024 14:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố "không có ranh giới đỏ" trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya TV rằng "Belarus sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu kẻ thù vượt qua biên giới của Nhà nước Liên minh. Sẽ không có ranh giới đỏ, câu trả lời sẽ là ngay lập tức".

Cuộc phỏng vấn với ông Lukashenko xoay quanh an ninh của "Nhà nước Liên minh" giữa Nga và Belarus, trong bối cảnh chiến sự ở biên giới Ukraine và Nga đang gia tăng căng thẳng khi Kiev phát động tấn công Kursk hồi đầu tháng.

Cảnh báo của ông Lukashenko được đưa ra sau khi máy bay không người lái của Ukraine được cho là đã xâm phạm không phận Belarus vào tuần trước, theo RT.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Newsweek)

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Newsweek)

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Lukashenko nhấn mạnh rằng Minsk không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh với NATO và họ không muốn xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Belarus đã sẵn sàng bảo vệ biên giới của mình.

Nếu họ làm vậy, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác. Sẽ không có ‘ranh giới đỏ’. Nó ở đó, ranh giới - biên giới quốc gia. Ngay khi họ bước vào đó, phản ứng sẽ đến ngay lập tức”, ông Lukashenko tuyên bố.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Belarus cho biết Minsk đã phá hủy một số máy bay không người lái của Ukraine xâm nhập trái phép vào không phận ở phía nam đất nước. Theo truyền thông Belarus, các UAV này chứa nhiều thiết bị điện tử và khí tài của NATO, bao gồm một ăng-ten chủ động do Mỹ sản xuất và một hệ thống dẫn đường của Bỉ.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ "không thấy lý do cụ thể nào để phản ứng" với tuyên bố của Minsk.

Sau sự ivệc trên, Belarus - đồng minh chính của Moscow trong khu vực - đã tuyên bố tăng cường quân sự ở biên giới với Ukraine, bao gồm cả việc triển khai xe tăng. Kiev cho rằng động thái này nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý của Ukraine khỏi cuộc xung kích vào khu vực Kursk của Nga.

Belarus không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev, thay vào đó đã kêu gọi đàm phán. Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự của Moskva bắt đầu vào tháng 2/2022, họ đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành một cuộc tấn công vào Kiev. Quan hệ giữa Belarus và Ukraine đã trở nên căng thẳng kể từ đó.

Thạch Anh(Nguồn: Newsweek, RT)
Bình luận
vtcnews.vn