Hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phát triển loại vaccine đầu tiên cung cấp khả năng "miễn dịch vững vàng" chống COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.
Thứ trưởng Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết vaccine này được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Những người thuộc "nhóm nguy cơ", như nhân viên y tế, dự kiến được tiêm vaccine trong tháng này.
Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đơn vị phụ trách đầu tư các doanh nghiệp y tế, cho biết Nga đã nhận đơn đặt hàng loại vaccine mới ra mắt từ hơn 20 quốc gia, với tổng cộng khoảng 1 tỷ liều.
"Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đáng kể đến vaccine COVID-19 của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển. Hơn nữa, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỷ liều vaccine từ 20 quốc gia", ông Kirill Dmitriev nói.
"Cùng với các đối tác nước ngoài của mình, chúng tôi đã chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine mỗi năm tại 5 quốc gia và kế hoạch là tăng cường năng lực sản xuất cao hơn nữa. Đến nay, các quốc gia ở Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đã thể hiện sự quan tâm lớn đến loại vaccine này", ông Kirill Dmitriev cho biết thêm.
TASS hôm 11/8 cũng đưa tin, Matxcơva và Berlin đang thảo luận về tiềm năng sản xuất vaccine COVID-19 của Nga ở Đức. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko và Đại sứ Đức tại Nga Geza Andreas von Geyr đã có cuộc gặp để trao đổi về vấn đề này.
"Trong cuộc họp, họ đã thảo luận về triển vọng hợp tác giữa hai nước. Cụ thể là việc sử dụng năng lực sản xuất của Đức để sản xuất vaccine COVID-19 của Nga", thông báo từ Bộ Y tế Nga.
Thời gian thử nghiệm trên người của vaccine vừa được Nga công bố là điều khiến các chuyên gia lo ngại. Bởi thông thường các thử nghiệm trên người của vaccine sẽ mất vài năm, song điều này đã được hoàn thành chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đối với loại vaccine vừa được Nga công bố.
Tuy nhiên, Nga đã đưa ra tuyên bố, giải thích cho việc bất thường này. Theo đó, vaccine của Nga gần giống với vaccine phòng bệnh Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), do một loại virus corona khác gây ra, đã được thử nghiệm rộng rãi, theo Indian Express.
Trước đó, hãng dược Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 500 triệu liều cho năm 2021 và một tỷ liều vào năm 2022 cho ứng cử viên vaccine COVID-19 tiềm năng. Công ty cho biết đang nghiên cứu sản xuất một loại vaccine bất hoạt bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, đây cũng là cách từng được sử dụng để sản xuất vaccine chống lại các bệnh như cúm và sởi.
Bình luận