Hôm 15/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng thông báo cắt ngân sách tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Mỹ là "rất đáng báo động".
"Đây là một ví dụ về cách tiếp cận rất ích kỷ của chính quyền Mỹ đối với những gì đang xảy ra trên thế giới liên quan đến đại dịch COVD-19", TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.
"Hành động của Mỹ đối với WHO vào thời điểm cộng đồng thế giới đang hướng sự chú ý đến tổ chức này trong cuộc chiến chống dịch bệnh là một bước đi đáng bị lên án và phê phán”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Cùng ngày, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Chính phủ Nga hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực và hành động của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 kể từ cuối năm ngoái đến nay.
Bên cạnh đó, người phát ngôn của Điện Kremlin cũng khẳng định sự ủng hộ và tin tưởng đối với những quyết định của WHO, cho biết các nhà lãnh đạo G20, trong đó có Tổng thống Nga Putin, luôn đặt hy vọng vào những hành động sắp tới của WHO để đối phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Hôm 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đang chỉ đạo chính quyền ngừng cấp ngân sách và "thực hiện đánh giá làm rõ vai trò của WHO trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó COVID-19 và che đạy sự lây lan của dịch COVID-19".
Video: Tổng thống Donald Trump thông báo tạm ngừng tài trợ cho WHO
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng WHO không minh bạch về COVID-19 và Washington sẽ thảo luận xem "nên dùng số tiền đáng lẽ về tay WHO như thế nào".
WHO được tài trợ bởi các nguồn tư nhân và chính phủ, trong đó Mỹ là nước đóng góp lớn nhất. Năm ngoái, Washington đã cung cấp 400 triệu USD cho tổ chức này. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đóng góp 44 triệu USD.
Bình luận