• Zalo

Nếu mua lại các trạm BOT như Cai Lậy, Nhà nước phải chi bao nhiêu tiền?

Kinh tếThứ Tư, 06/12/2017 11:37:00 +07:00Google News

Cả nước có 6 dự án tương tự như BOT Cai Lậy, nên nếu mua lại, Nhà nước sẽ phải mua tất cả các dự án này với số tiền ước khoảng 32.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, hàng loạt lùm xùm liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy khiến người dân hết sức hoang mang về tính hiệu quả của những dự án BOT này.

Chỉ 3 ngày mở lại sau thời gian dài ngừng hoạt động, trạm thu phí này đã phải xả trạm hơn chục lần do vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Tình trạng hỗn loạn liên tục xảy ra do các tài xế trả tiền lẻ, phản đối thu phí, đi qua lại gây ùn tắc...

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy trong 30 ngày để Bộ GTVT báo cáo và có hướng khắc phục.

15 phút trả tiền lẻ của nữ tài xế ở BOT Cai Lậy

Thủ tướng quyết định tạm dừng hoạt động BOT Cai Lậy để tìm hướng xử lý và khắc phục.

Cụ thể, chiều tối 4/12, Thủ tướng Chính phủ đã họp hơn 3 tiếng đồng hồ với lãnh đạo Bộ GTVT và một số Bộ, ngành để đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang). 

Trong cuộc họp, Bộ GTVT đã báo cáo 3 phương án giải quyết vấn đề Cai Lậy. Trong đó, 1 phương án được đưa ra đó là Nhà nước mua lại dự án này. Trước đây, Đại biểu Quốc hội và các luật sư đã đề xuất Nhà nước mua lại trạm Cai Lậy.

Theo ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Nhà nước phải rà soát lại toàn bộ trạm BOT trên cả nước, loại bỏ các dự án không cần thiết trên quốc lộ 1, đồng thờ mua lại toàn bộ các dự án BOT trên quốc lộ 1, trong đó có BOT Cai Lậy để quản lý chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp phải nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về ngân sách Nhà nước.

Nếu mua lại dự án này, Nhà nước sẽ phải mua lại cả 6 dự án tương tự BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1. Số tiền để mua lại các dự án này ước tính khoảng 32.000 tỷ đồng. Do vậy, điều này rất khó xảy ra. 

Không chỉ vậy, theo Nhadautu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, "Điều này còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến môi trường đầu tư nói chung và đặc biệt là việc thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Qua những diễn biến vừa qua tại các các dự án BOT, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan ngại khi nhìn thấy các cam kết ban đầu trong hợp đồng (giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền/PV) bị phá vỡ. Họ chờ đợi phải có một khuôn khổ pháp luật hoàn thiện mới quyết định đầu tư" - ông Đông nói. 

Video: BOT Cai Lậy bình yên sau quyết định tạm ngừng thu phí

Nếu Nhà nước không mua lại dự án BOT Cai Lậy thì Bộ GTVT chỉ còn 2 cách giải quyết; một là giữ nguyên trạm thu phí hiện tại sau đó cải thiện việc thu phí sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dân; hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, nhưng phương án này bất khả thi hơn bởi ảnh hưởng đến thời gian thu phí, thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết ban đầu, ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng.

Ngoài ra, có thể đặt 2 trạm thu phí: Một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

Tiểu An
Bình luận
vtcnews.vn