Ngày 28/2, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo thông báo, về quan điểm Bộ Chính trị yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế.
Mục tiêu tổng quát là phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang).
Đến năm 2030 tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP.HCM...); phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi); đối với tuyến TP.HCM - Cần Thơ đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long.
Đến năm 2045 hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035. Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045; tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để quán triệt, triển khai thực hiện kết luận này; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án… về phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự về phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt, các dự án trọng điểm lĩnh vực đường sắt; đề xuất xây dựng các chính sách phù hợp, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung đã nêu trong kết luận này.
Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định (theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023).
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc thực hiện kết luận này.
Bình luận