Theo ông Đinh Việt Thắng, mọi công việc phục vụ cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đang được gấp rút hoàn thành, “chạy đua” với thời gian nhằm đảm bảo cho việc khởi công dự án vào cuối năm 2020.
Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, muốn hoàn thành đúng tiến độ và đưa sân bay Long Thành đi vào hoạt động trong năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội thì dự án bắt buộc phải khởi công vào năm 2020.
Để không rơi vào tình trạng bị động trong việc chi trả tiền giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 khu tái định cư cho dự án, Chính phủ đã sớm bố trí vốn cho dự án. Theo đó, Chính phủ giao 2 đợt vốn cho tỉnh, đợt 1 vào cuối năm 2018 và đợt 2 vào đầu năm 2019. Tổng số vốn đã giao là 15 ngàn tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Như vậy, trong tổng số vốn là 23.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng thì đã được bố trí gần 2/3, số còn lại chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng. Do đó, khi làm xong hồ sơ giải phóng mặt bằng sẽ có tiền chi trả ngay cho người dân cũng như các tổ chức bị thu hồi đất.
Về nguồn vốn xây dựng sân bay, theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Sân bay Long Thành thì giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư gần 112 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), nguồn vốn này được sử dụng trong thời gian thực hiện từ năm 2020-2025.
Liên quan đến đề xuất chọn Tổng công ty Hàng không Việt Nam ACV làm chủ đầu tư sân bay Long Thành, theo lãnh đạo Cục Hàng không, ACV là đơn vị có tiềm lực kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng mới cảng hàng không như Phú Quốc và các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo các sân bay lớn Tân Sơn Nhất, Nội Bài...
Viện dẫn đến báo cáo tài chính vừa công bố của ACV, ông Thắng cho biết, tiềm lực tài chính của nhà đầu tư này đủ khả năng để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể, tổng mức tiền gửi tại ngân hàng bao gồm có kỳ hạn và không kỳ hạn của ACV lên đến 32.058 tỉ đồng. Tính trong 9 tháng năm 2019, ACV thu về 1.276 tỉ đồng từ lãi tiền gửi, ước trung bình mỗi ngày thu về hơn 4,7 tỉ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tính cuối kỳ báo cáo đã lên mức 31.382 tỉ đồng, tăng 32,2%.
Cũng theo ông Đinh Viết Thắng, ACV là công ty khai thác cảng hàng không duy nhất hiện nay tại Việt Nam khi quản lý 22/22 cảng hàng không và sở hữu 21/22 cảng. Trong cơ cấu doanh thu hiện tại của ACV, các dịch vụ hàng không chiếm gần 80% tổng doanh thu, trong đó hoạt động phục vụ khách hàng (PSC) chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 68% và dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, phí sử dụng hạ tầng nội cảng... chiếm khoảng 10%.
ACV có tổng tài sản 59.701 tỉ đồng với tổng nợ 25.251 tỉ đồng, trong đó 60,4% là nợ dài hạn, chủ yếu các khoản vay ODA từ JICA (Nhật Bản) cho dự án nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Lãi suất tính theo đồng yên (Nhật) của các khoản vay này có biên độ 0,2%-1,6%/năm.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó vận chuyển của các hãng nội địa xấp xỉ 27 triệu hành khách, tăng 7,7%.
Bình luận