Tiêm kích F-22 Raptor có thể sớm đi vào dĩ vãng khi Mỹ đẩy mạnh quá trình phát triển Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không (NGAD).
Defense One đưa tin, Lực lượng Không quân Mỹ vừa mở gói thầu thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 – thiết kế mới đầu tiên của Mỹ trong 2 thập kỷ qua nhằm thay thế máy bay tàng hình F-22.
Mặc dù chưa có một khái niệm thống nhất về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng, máy bay này có thể có thiết kế mô-đun, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, sử dụng vũ khí năng lượng định hướng, có khả năng bay tự động không cần phi công điều khiển, sử dụng công nghệ thực tế ảo…
Defense One trích dẫn một tuyên bố của lực lượng Không quân Mỹ cho biết, “quá trình phát triển NGAD sẽ kết hợp các bài học rút ra từ những chương trình mua sắm gần đây của lực lượng không quân và tận dụng các tiêu chuẩn cấu trúc mở”. Tuyên bố nhấn mạnh: “Cách tiếp cận này sẽ cho phép chính phủ tối đa hóa sự cạnh tranh trong suốt vòng đời của máy bay, tạo ra một cơ sở công nghiệp lớn hơn với khả năng đáp ứng nhu cầu của lực lương không quân nhanh hơn và giảm đáng kể trì phí sửa chữa, bảo trì”.
Báo cáo của Defense One cho biết, kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ được công bố vào năm 2024. Theo giới phân tích, các tập đoàn Lockheed Martin, Northrop Grumman và Boeing có thể là tâm điểm của cuộc cạnh tranh này.
Thông tin chi tiết về yêu cầu của Lực lượng không quân Mỹ đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 khá hạn chế, nhưng Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết: “NGAD sẽ bao gồm các đặc điểm như gia tăng khả năng sát thương, khả năng sống sót, hoạt động bền bỉ, dễ tương tác và dễ thích nghi trong môi trường có tính cạnh tranh cao. Không ai làm điều này tốt hơn Không quân Mỹ, nhưng chúng ta sẽ đánh mất lợi thế đó nếu chúng ta không tiến về phía trước ngay bây giờ”.
Theo ông Frank Kendall, máy bay chiến đấu NGAD là một phần quan trọng của dòng máy bay chiếm ưu thế trên không, đại diện cho bước nhảy vọt về công nghệ so với so với F-22 – loại tiêm kích mà nó sẽ thay thế. Bộ trưởng Kendall cho biết, ông hy vọng máy bay chiến đấu NGAD sẽ là những phương tiện tinh vi, có giá hàng trăm triệu USD mỗi chiếc.
Các nhà quan sát cho rằng, một số thông tin được tiết lộ về hợp đồng cho thấy lực lượng không quân Mỹ đang tìm cách tránh những sai lầm mà họ từng mắc phải trong chương trình mua sắm các loại máy bay hiện đại, chẳng hạn như F-35A.
Hồi tháng 3/2023, cây bút Michael Marrow của tạp chí Breaking Defense cho biết, không quân Mỹ đang có kế hoạch mua 200 máy bay NGAD cùng với 100 Máy bay Chiến đấu Cộng tác (CCA) - những phương tiện này sẽ được kết nối với máy bay chiến đấu thế hệ 6, cho phép NGAD có thể triển khai chúng, đồng thời tấn công các mục tiêu khác sử dụng vũ khí tầm xa. Theo ông Michael Marrow, nếu như máy bay NGAD cực kỳ đắt đỏ thì máy bay CCA sẽ có giá thành phải chăng, ước tính chỉ bằng một phần nhỏ giá của tiêm kích F-35.
Máy bay NGAD được kỳ vọng sẽ thay thế cho F-22, trở thành máy bay chiếm ưu thế trên không uy lực nhất của không quân Mỹ. Tuổi thọ cao, công nghệ lỗi thời, chi phí vận hành lớn và các gói nâng cấp vô cùng đắt đỏ đã khiến Mỹ dần dần loại bỏ F-22.
Trung Quốc lo ngại đối thủ vượt mặt
Nhà phân tích John Tirpak của Tạp chí Lực lượng Hàng không & Vũ trụ hồi tháng 4 cho rằng, 33 máy bay F-22 Block 20 cũ mà Không quân Mỹ dự định cho nghỉ hưu theo yêu cầu của ngân sách năm 2023 không thể cạnh tranh với các máy bay chiến đấu J-20 mới nhất của Trung Quốc. Những máy bay này thiếu vũ khí hiện đại và khả năng tác chiến điện tử, đồng thời không hiệu quả trong hoạt động huấn luyện vì chúng không đồng bộ với những chiếc F-22 Block 35.
Cùng chung quan điểm này, ông Alex Hollings, một nhà quan sát kỳ cựu của Thủy quân lục chiến Mỹ và quan sát công nghệ quốc phòng và chiến đấu quốc tế lưu ý, F-22 ngày càng trở nên lỗi thời trước hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc và các đối thủ khác.
Trên tạp chí Modern Defense, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, chiến đấu cơ F-35 của Mỹ tạo ra mối đe dọa lớn hơn so với F-22 bởi nó có hệ thống điện tử hàng không mới hơn và có khả năng đảm nhiệm nhiều vai trò hơn. Trung Quốc đã phát triển các vũ khí phòng không tiên tiến như hệ thống tên lửa HQ-9 và máy bay chiến đấu J-20 để ngăn chặn chiến lược của Mỹ nhằm xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương và tấn công các mục tiêu có giá trị chiến lược như sân bay, trạm chỉ huy-kiểm soát.
Hiện, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, nhằm cạnh tranh với chương trình NGAD của Mỹ. Bắc Kinh đã nhận thấy sự thống trị của không quân thế hệ thứ 6 nhờ sự gia tăng theo cấp số nhân của việc giảm tín hiệu radar nhằm gia tăng khả năng tàng hình, đẩy mạnh tốc độ xử lý thông tin, tăng tính nhanh nhạy của cảm biến, năng lực sử dụng hệ thống sứ mạng mở và lập trình lại.
Theo Asia Times, trong tương lai, nước này có thể nâng cấp máy bay chiến đấu J-20 trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 với việc tích hợp các công nghệ tiên tiến, vũ khí năng lượng dẫn đường hoặc năng lực tùy chọn có người lái.
Bình luận