Politico dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden mới chỉ chuyển được khoảng 20% trong số 20 triệu liều vaccine COVID-19 mà họ cam kết tặng trực tiếp cho các quốc gia trước cuối tháng 6.
Các quan chức này khẳng định với tốc độ chậm chạp này, Nhà Trắng khó có thể đạt được mục tiêu ban đầu trong tháng này.
Sự chậm trễ của Mỹ diễn ra vào thời điểm nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng gia tăng các ca nhiễm do sự lan rộng của biến thể Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết chính quyền Biden đã gửi 5 triệu liều vaccine ra nước ngoài. Mỹ sẽ gửi thêm các lô vaccine vào cuối tuần này.
Quan chức này không nói rõ những quốc gia nào đã nhận được vaccine và chúng được gửi trực tiếp hay thông qua sáng kiến COVAX.
Hôm 21/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc gửi vaccine tới phần còn lại của thế giới là "thách thức lớn về mặt hậu cần".
"Chúng tôi cần đảm bảo các thông tin về quy định và an toàn được chia sẻ. Cần đảm bảo về nơi bảo quản với nhiệt độ thích hợp, vaccine không bị rơi vỡ và vaccine được thông quan ngay lập tức", bà Psaki cho hay.
Tuy nhiên, hai quan chức Mỹ khẳng định vấn đề về hậu cần không phải là rào cản duy nhất mà Washington phải đối mặt.
Các quốc gia tiếp nhận phải đồng ý miễn trừ trách nhiệm cho các nhà sản xuất vaccine COVID-19 khi phát sinh các phản ứng bất lợi sau các mũi tiêm.
Các quốc gia tham gia COVAX đồng ý với điều khoản này. Nhưng khi Mỹ chuyển trực tiếp vaccine cho các nước, họ sẽ phải đàm phán lại vấn đề trên.
Theo nguồn tin của Politico, mặc dù việc viện trợ trực tiếp vaccine ra nước ngoài nghe có vẻ hiệu quả hơn, nhưng trên thực tế việc thương lượng về điều khoản miễn trừ trách nhiệm giữa nước cho và nước nhận thường cản trở việc giao hàng.
Vào tháng 5, Nhà Trắng cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước trước cuối tháng 6. Trong số này bao gồm 20 triệu liều viện trợ trực tiếp và 60 triệu liều thông qua sáng kiến COVAX.
Hồi đầu tuần, Nhà Trắng cho biết họ có kế hoạch gửi trực tiếp 14 triệu liều vaccine đầu tiên cho “các đối tác và quốc gia ưu tiên trong khu vực”, bao gồm Colombia, Argentina, Haiti, Cộng hòa Dominica, Afghanistan, Gaza, Ukraine, Bangladesh, Pakistan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Nigeria, Kenya và Iraq.
Bình luận