Bất chấp cơn mưa như trút nước, hàng chục người xếp thành hàng dài bên ngoài một phòng khám bệnh ở Bedok, khu dân cư ở phía đông Singapore. Họ, trong đó có nhiều người Trung Quốc đang chờ để đăng ký tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Sun Yan Hui, 50 tuổi, tới từ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) cho biết cô phải nghỉ làm một ngày để đi đăng ký.
'Tôi đến từ Trung Quốc. Tôi yêu đất nước của mình. Tất nhiên tôi sẽ tiêm vaccine Sinovac", Sun cho hay.
Một người khác cũng tới từ đại lục nói anh tin tưởng các mũi tiêm của Trung Quốc hơn vì hơn 1 tỷ dân Trung Quốc đã tiêm vaccine "nội địa".
"Toàn bộ gia đình và người dân làng tôi không gặp bất cứ tác dụng nào", người đàn ông 32 tuổi tới từ Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết.
Tuần trước, Singapore công bố danh sách 24 cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân tiếp nhận và phân phối 200.000 liều vaccine Sinovac chuyển tới nước này vào tháng 2.
Các phòng khám tư tại Singapore hiện được phép sử dụng vaccine Sinovac trong một chương trình tiếp cận đặc biệt sau khi vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng. Đảo quốc sư tử đang chờ thêm các dữ liệu thử nghiệm của Sinovac trước khi đưa nó vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Người dân Singapore hiện được lựa chọn các vaccine thay thế cho hai loại vaccine đã được phê duyệt là Pfizer-BioNTech và Moderna.
Những người chọn tiêm vaccine Sinovac phải trả một khoản phí nhỏ, khoảng 7,5 - 18,5 USD. Họ sẽ không được bồi thường nếu gặp phản ứng nghiêm trọng và thiệt mạng sau tiêm.
Mặc dù vậy, vaccine Sinovac đang trở nên "đắt hàng" tại quốc gia có đông người Trung Quốc sinh sống. Đường dây liên hệ với các phòng khám tư nhân hỏi về việc đăng ký tiêm vaccine đều bận liên tục.
Leong Hoe Nam, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Rophi Clinic cho biết phòng khám của ông liên tục nhận các cuộc gọi một giờ sau thông báo của chính quyền cho phép các cơ sở y tế tư nhân sử dụng vaccine Sinovac.
Rophi Clinic chỉ được cấp 200 liều vaccine nhưng có hơn 1.000 người trong danh sách đợi.
Khi được hỏi vì sao Rophi Clinic tiêm vaccine của Sinovac dù lợi nhuận thấp, Leong giải thích: "Tôi luôn ủng hộ vaccine. Chỉ cần mọi người tiêm phòng là tôi vui rồi".
Theo Leong, các mũi tiêm của Trung Quốc phục vụ cho những người ngại vaccine mRNA. Đây là công nghệ mới và họ vẫn chuộng dùng các công thức truyền thống như của Sinovac, vốn là một loại vaccine bất hoạt.
Trung tâm Chuyên gia StarMed được cấp 400 liều nhưng danh sách chờ lên tới 3.000 người, kéo dài tới tận tháng 9. Phần đông những người đăng ký là các cư dân trên 40 tuổi. Ngoài ra còn có một lượng lớn các sinh viên Trung Quốc.
Tại Phòng khám Rophi ở trung tâm thành phố Singapore, bác sĩ gia đình Ng Thin Onn, 80 tuổi, người Singapore là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine. Onn cho biết ông đăng ký tiêm ngay sau tuyên bố tuần trước của chính quyền.
"Tôi thích và tin tưởng hơn vào công nghệ virus bất hoạt. Vaccine mRNA là một thứ gì đó rất mới. Tôi không nói nó xấu nhưng có nhiều rủi ro", Onn cho hay.
Onn cho biết ông tin vào kết quả thực tế thay vì các thử nghiệm khoa học và các đánh giá ngang hàng. Kết quả thử nghiệm trước đó cho thấy Sinovac có hiệu quả bảo vệ dưới 51%, thấp hơn rất nhiều so với Pfizer, Moderna với tỷ lệ trên 90%.
"Nếu bạn nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm, tôi nghĩ họ làm tốt hơn bất cứ quốc gia nào khác", Onn nói.
Tuần trước, các quan chức Singapore nhấn mạnh họ "rất tiếc" khi chưa thể phê duyệt vaccine Trung Quốc do nhà sản xuất. Chính quyền thành phố cũng đang quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác đã tiêm vaccine Sinovac.
Tính tới hiện tại, Singapore đã tiêm chủng cho hơn một nửa trong số 5,7 triệu dân số Singapore và khoảng 36% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore, sẽ "không có ưu đãi đặc biệt" về thời gian cách ly với những người tiêm vaccine của Trung Quốc. Nhưng "sẽ rất thuận tiện" với những người nước ngoài đã tiêm vaccine Sinovac muốn xin thị thực Trung Quốc.
Thông thường, người Singapore cần có thư mời từ chính quyền cấp tỉnh nếu muốn xin thị thực kinh doanh đến Trung Quốc. Quá trình này có thể bị bỏ qua nếu họ đã tiêm vaccine của Trung Quốc.
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu cho biết đây có thể được xem là sự tiếp nối chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.
"Singapore là một nền kinh tế phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe nghiêm ngặt. Nếu có người ở Singapore tiêm vaccine của mình, Trung Quốc quảng bá vaccine của họ sang nước khác", Wu nhận định.
Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho rằng các công dân Trung Quốc tại Singapore chọn tiêm vaccine Sinovac vì điều này giúp họ về nước dễ dàng hơn khi các hạn chế nhập cảnh giảm bớt.
Ying không rõ nguồn cung vaccine Trung Quốc hiện tại ở Singapore có đủ nguồn cầu hay không. Nhưng ông tin việc xếp hàng dài để tiêm chủng là điều tốt.
"Dù gì thì Sinovac cũng là một loại vaccine được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có nghĩa là khả năng bảo vệ mà vaccine này mang lại có lợi cho việc triển khai rộng rãi trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Khi mọi người tiếp tục tiêm vaccine Sinovac, họ vẫn đang được bảo vệ chống lại COVID-19. Tất cả điều này sẽ góp phần vào việc bảo vệ cộng đồng nói chung chống lại COVID-19", Ying cho hay.
Bình luận