CNN dẫn nguồn tin quân sự cho biết, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh vào giữa tháng 3 vừa qua nhưng lại không công khai thông tin này nhằm tránh gây căng thẳng với Nga trong thời gian Tổng thống Joe Biden công du châu Âu.
Quan chức này cho biết thêm, tên lửa siêu thanh thuộc chương trình HAWC được phóng từ một máy bay ném bom B-52 ở ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn Lockheed Martin thử nghiệm thành công tên lửa HAWC.
Trong cuộc thử nghiệm, tầng đẩy sơ tốc giúp tên lửa đạt tốc độ cần thiết, sau đó động cơ phản lực dòng thẳng (scramjet) được kích hoạt và đẩy quả đạn lao đi với tốc độ Mach 5 (6.174 km/h), tốc độ tối thiểu của các dòng vũ khí siêu vượt âm.
Nguồn tin của CNN chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản về vụ thử nghiệm như tên lửa đạt độ cao khi bay khoảng 19.800 m và thực hiện hành trình bay hơn 480 km. Được biết ngay ở cả pha cuối tốc độ của HAWC vẫn giữ ở mức hơn 6.000 km/h. Nó thực hiện hành trình bay 480 km chỉ trong 5 phút.
Theo CNN, vụ thử nghiệm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal ở Ukraine. Tuy nhiên giới chức Lầu Năm Góc lại đánh giá thấp vai trò của tên lửa Kinzhal trong cuộc chiến này.
Các chuyên gia quân sự của CNN cho rằng tên lửa Kinzhal đơn giản là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Nói cách khác, Kinzhal không hẳn là một mẫu vũ khí siêu thanh đúng nghĩa. Trong khi đó tên lửa HAWC với động cơ phản lực dòng thẳng được đánh giá tiên tiến và phức tạp hơn nhiều so với tên lửa Nga.
Khác với Kinzhal, HAWC không được trang bị đầu đạn nó sử dụng động năng để tiêu diệt mục tiêu.
Vào thời điểm Mỹ thử nghiệm HAWC, ông Biden đang chuẩn bị cho chuyến thăm các đồng minh NATO ở châu Âu, bao gồm cả chặng dừng chân ở Ba Lan. Washington cũng đã thận trọng không thực hiện các bước đi hoặc đưa ra các tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Moskva một cách không cần thiết.
Cuối tuần trước, Mỹ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để tránh việc Nga hiểu sai trong thời điểm hiện tại.
Lầu Năm Góc cũng tỏ ra kín đáo về các loại vũ khí và thiết bị mà họ viện trợ cho Ukraine và chỉ công khai một số loại vũ khí bộ binh thông thường như tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không.
Mỹ cũng phản đối việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine với lo ngại rằng điện Kremlin có thể xem đây là hành động Mỹ và NATO tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Trước vụ thử nghiệm vào giữa tháng 3, hãng Raytheon cũng đã thử nghiệm thành công phiên bản HAWC của công ty này vào tháng 9 năm ngoái. Tên lửa Raytheon sử dụng động cơ đẩy do Northrop Grumman phát triển.
Các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Raytheon và Lockheed Martin đang cạnh tranh để giành được hợp đồng phát triển, cung cấp tên lửa HAWC cho quân đội Mỹ.
Theo thông cáo báo chí của Cục quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năn Góc, các vụ thử nghiệm HAWC đều đáp ứng tất cả các mục tiêu chính, bao gồm việc tích hợp và phóng tên lửa, an toàn của phương tiện bay sau khi phóng, tầm bắn và ổn định của tên lửa trong hành trình.
Hiện nay Lầu Năm Góc đã chuyển trọng tâm vào phát triển vũ khí siêu thanh sau các cuộc thử nghiệm thành công của Nga và Trung Quốc trong những tháng gần đây, làm dấy lên mối lo ngại ở Washington rằng Mỹ đang tụt hậu về một công nghệ quân sự được coi là quan trọng cho tương lai.
Trong ngân sách quốc phòng năm 2023, chính quyền của ông Biden đã yêu cầu 7,2 tỷ USD cho việc phát triển các mẫu tên lửa tấn công tầm xa, bao gồm cả tên lửa siêu thanh. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2024, Lầu Năm Góc đã và sẽ chi ít nhất 15 tỷ USD cho các chương trình vũ khí siêu thanh.
Bình luận