Guardian bình luận Tổng thống Mỹ chỉ mất 7 phút để xát thêm muối vào vết thương hở trong quan hệ rạn nứt với các lãnh đạo châu Âu bằng cách tuyên bố một cách chắc chắn trong hội nghị G7 trực tuyến rằng ông sẽ hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan đúng thời hạn.
Tuyên bố này gạt phăng những đề xuất gia hạn trước đó của Pháp, Italia và đặc biệt là Anh.
Nó cũng xúc tích, ngắn gọn như khẳng định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước 11/9 của nhà lãnh đạo Mỹ - quyết định đưa nhiều đồng minh của Washington vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Đối với châu Âu, sự quyết đoán của ông Biden như một đòn giúp họ thức tỉnh.
Nhiều tháng trước, Biden khẳng định Mỹ sẽ chỉ thành công trong việc thúc đẩy các lợi ích và gìn giữ những giá trị cơ bản khi hợp tác với các đồng minh và đối tác gần gũi nhất trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng.
"Nước Mỹ đã trở lại. Chúng tôi rất vui khi Mỹ trở lại. Cùng nhau, chúng ta có thể chứng minh rằng các nền dân chủ phù là phù hợp nhất để bảo vệ công dân, tạo ra sự thịnh vượng", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu hồi tháng 3.
Mối quan hệ hữu hảo đó là câu chuyện cách đây vài tháng.
Sau khi ông Biden tuyên bố rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, các rạn nứt bắt đầu xuất hiện.
Một số nghị sỹ Anh lên án gay gắt quyết định của Tổng thống Mỹ cũng như các nhận xét nghi ngờ lòng dòng cảm của quân đội Afghanistan. Armin Laschet, ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi việc Mỹ rút quân là "thất bại lớn nhất mà NATO trải qua kể từ khi thành lập".
Khi Taliban lên tiếng cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ và các nước phương Tây kéo dài thời hạn di tản, châu Âu vẫn hy vọng ông Biden chữa sai cho quyết định rút quân vội vàng trước đó bằng việc để quân đội Mỹ nán lại Afghanistan 1 hoặc 2 ngày sau hạn chót 31/8.
Nhưng hy vọng đó giờ cũng tiêu tan.
Theo Guardian, về mặt nào đó, quyết định của Biden là kết quả hợp lý khi ông tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận ban đầu của người tiền nhiệm Donald Trump với Taliban vào tháng 2/2020. Taliban chiến thắng và giành lấy chiến lợi phẩm.
Nhưng quyết định này chắc chắn sẽ không khiến những người thúc giục Biden gia hạn di tản như Thủ tướng Anh Boris Johnson dễ chịu. Truyền thông Anh nhận xét ông Johnson có phần hơi lan man và bối rối sau cuộc họp với các lãnh đạo G7.
Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng sự hỗn loạn ở Kabul những ngày qua là lời đánh động tới những ai đang mơ mộng về một kỷ nguyên hợp tác đầy hứa hẹn giữa Mỹ và châu Âu dưới thời Biden.
Bình luận