• Zalo

Muốn đông khán giả, Hà Nội FC hãy để Quang Hải đi phát tờ rơi như Công Phượng

Thể thaoChủ Nhật, 11/03/2018 16:42:00 +07:00Google News

Những hoạt động đưa cầu thủ đến gần hơn với người hâm mộ là điều bóng đá Việt Nam đang rất thiếu ở thời điểm này.

1. Những tháng cuối năm 2016, bóng đá Việt Nam xôn xao với hình ảnh Công Phượng - một trong những cái tên nổi bật nhất U23 Việt Nam, phải đi phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm trong màu áo Mito Hollyhock. Công Phượng được mong chờ tỏa sáng, hoặc chí ít được ra sân vài trận để khẳng định bản thân, thay vì lầm lũi cầm xấp tờ rơi đi phát cho người hâm mộ.

Có người bình luận, Mito Hollyhock nên bỏ tiền thuê nhân viên đi phát tờ rơi thay cho Phượng, thay vì bắt cầu thủ con cưng làm việc đó và xao nhãng chuyện tập luyện. Với cầu thủ, nhiệm vụ trên sân là nhiệm vụ tiên quyết.

Thumb_Cong_Phuong_1

 Hình ảnh Công Phượng phát tờ rơi từng gây tranh cãi rất lớn.

Đầu năm 2017, Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh của CLB TP.HCM bán vé thi đấu và ký tặng áo cho cổ động viên. Hình ảnh Công Vinh cầm tập vé và bán cho người hâm mộ qua khung sắt cửa sổ được ghi lại, và cũng như Công Phượng, Công Vinh trở thành đề tài đàm tiếu.

Có người ủng hộ, nhưng cũng có người chê Công Vinh làm màu, rằng Quyền Chủ tịch nên làm điều gì đó thiết thực hơn, thay vì bán vé - công việc mà CLB TP.HCM thừa sức bỏ tiền thuê người để làm.

Hai câu chuyện rất mới với bóng đá Việt Nam, nhưng với bóng đá thế giới, các đội bóng đã làm điều đó từ rất lâu.

2. Tại Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A hay các giải đấu hàng đầu châu Âu, cầu thủ được trả lương không chỉ để đá bóng. Họ còn có nghĩa vụ thu hẹp khoảng cách giữa đội bóng và người hâm mộ, vì người hâm mộ là tài sản lớn nhất với bóng đá.

4975B5D400000578-5419937-image-a-46_1519256070583 4

 Mohamed Salah (trái) giao lưu cùng người hâm mộ khi tham gia đóng phim quảng bá hình ảnh cho Liverpool. (Ảnh: iCelebTV)

Người hâm mộ chỉ bỏ tiền đến sân theo dõi thưởng thức bóng đá và thụ hưởng sản phẩm bóng đá của CLB nếu họ nhìn thấy CLB thực sự hoạt động và phát triển vì mình.

Một mối quan hệ tương tác hai chiều đơn giản: Đội bóng có công thì người xem không phụ. Nếu các CLB đặt người hâm mộ vào vai trò trọng tâm trong chiến lược phát triển bóng đá, người hâm mộ sẽ đặt CLB vào danh mục ưu tiên hàng đầu mỗi dịp cuối tuần.

Có nhiều cách để "nuôi" lực lượng khán giả nói trên, như thành lập các nhóm, hội cổ động viên, giảm giá vé, ưu đãi quyền lợi,... nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo dựng cho người hâm mộ cảm giác: đây là đội bóng của họ, hoạt động vì họ, cống hiến vì họ, chứ không phải vì bất cứ mục đích, lí do gì khác.

Ở đó, vai trò của cầu thủ - những người đại diện cho bộ mặt đội bóng, cần được các CLB nhấn mạnh. Tuy nhiên, nếu cầu thủ quốc tế thường xuyên tham gia vào các chương trình giao lưu với người hâm mộ hàng tuần, hàng tháng, thì cầu thủ Việt Nam rất hiếm khi đến gần khán giả bằng những cách thức nêu trên.

Với nhiều CLB tại V-League, cầu thủ đá bóng xong thì... về nhà, rồi ra sân tập luyện, chuẩn bị thi đấu, xong lại về nhà. Một vòng quay vô cảm, tạo nên cảm giác: người đá cứ đá, người xem cứ xem. Mối dây liên kết gần như không có.

Phản ứng tiêu cực của người hâm mộ khi Công Vinh bán vé hay Công Phượng phát tờ rơi cũng phần nào phản ánh tư duy "đóng kín" của bóng đá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, rằng cầu thủ, xét cho cùng, bị bó hẹp với nhiệm vụ duy nhất là đá bóng.

Ở Mito Hollyhock, cầu thủ hay chủ tịch cũng đều phải đi phát tờ rơi để lôi kéo khán giả để sân. Ở Borussia Dortmund, Mats Hummels phải có mặt tại khán đài của cổ động viên để trực tiếp giải trình với cổ động viên về thất bại của đội nhà. Ở Thái Lan, cầu thủ phải cúi đầu xin lỗi người xem nếu đội bóng không có được kết quả như ý.

Video: Mats Hummels và Roman Weidenfeller xin lỗi cổ động viên Dortmund

Đội bóng chuyên nghiệp phải là đội bóng thuộc về người hâm mộ, đội bóng cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc, dù đó là ngôi sao hay chủ tịch đi nữa. Nếu muốn tiến lên chuyên nghiệp, các đội bóng V-League và bản thân cổ động viên phải làm quen với tư duy bóng đá này.

3. Hiệu ứng U23 Việt Nam sẽ có lúc nguội lạnh, như U19 Việt Nam của những năm 2013, 2014. Các đội bóng không thể "cầu viện" mãi ở các cầu thủ U23 Việt Nam để mong khán giả đến sân nhiều hơn. 

Sự hiếu kỳ mang khán giả để sân, và để họ gắn bó lâu hơn với đội bóng, mỗi đội bóng cần một chiến lược. Chiến lược ấy, không chỉ có mỗi bóng đá hay thành tích được đặt lên đầu. Hà Nội FC vô địch mấy mùa mà Hàng Đẫy vẫn vắng, nhưng chỉ sau một giải đấu U23, bỗng dưng đội bóng Thủ đô lại tiếp nhận một lượng khán giả vô cùng lớn, đó là sự khác biệt.

Hiệu ứng U23 Việt Nam mang lại cho V-League cơ hội đổi đời, nhưng để nắm lấy cơ hội và thực hiện bước chuyển mình lên tầm chuyên nghiệp, các CLB hãy thu hẹp khoảng cách với người hâm mộ càng sớm càng tốt, bằng mọi cách. Kể cả việc để Quang Hải có phát tờ rơi hay Duy Mạnh đi bán vé đi chăng nữa.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn