• Zalo

Mùa đông năm nay ấm hơn, trái ngược với dự báo?

Tin nhanh 24hThứ Ba, 14/12/2021 07:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia khí tượng nêu quan điểm trước nhiều ý kiến cho rằng mùa đông năm nay ấm hơn, trái ngược với dự báo thời tiết.

Nhận định xu hướng thời tiết từ 11/12/2021 đến 10/01/2022, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia cho biết nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có xu hướng cao hơn từ 1-1,5 độ C, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cao hơn từ 0,5-1,0 độ C. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ ở mức cao hơn từ 0-0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tuy đã giữa tháng 12 nhưng Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ vẫn chưa ghi nhận đợt rét đậm, rét hại nào. Diễn biến thời tiết khiến nhiều người cho rằng mùa đông năm nay có thể không còn rét đậm, rét hại kéo dài.

Mùa đông năm nay ấm hơn, trái ngược với dự báo? - 1

Thời tiết trên đỉnh Fansipan (Sapa) những ngày đầu tháng 12/2021.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết nguyên nhân là do không khí lạnh trong thời gian qua có cường độ chưa thực sự mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh do hiện tượng phát xạ nhiệt độ vào ban đêm nên nhiệt độ vào đêm và sáng hạ xuống khá thấp nhưng ban ngày lại có nắng nên nhiệt độ trung bình ngày chưa đạt đến mức độ rét đậm, rét hại ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy chưa xảy ra rét đậm ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhưng rét đậm, rét hại đã xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc từ 2-8/12, một số nơi vùng núi cao đã xuất hiện sương muối như tại Fansipan (Lào Cai).

Ông Hưởng cho biết, theo thống kê, mùa đông năm nay đến sớm và lạnh hơn mọi năm. Điều này được đánh giá là tương đối chính xác, và phù hợp với thực tế bởi lẽ tháng 11 năm ngoái nền nhiệt độ trung bình cao hơn rõ rệt so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, tuy nhiên năm nay không khí lạnh hoạt động sớm và mạnh hơn, do vậy nền nhiệt độ trung bình tháng 11/2021 thấp hơn 0,5-1 độ C.

"Đến 10 ngày đầu tháng 12/2021, nền nhiệt độ trung bình còn thấp hơn 1,5-2,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ", ông Hưởng nói.

Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho biết xu thế nhận định mùa đông năm nay có nền nhiệt độ xấp xỉ trung bình nhiều năm và thấp hơn mùa đông năm ngoái. Từ đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định trong thời gian tiếp theo của mùa đông 2021-2022 tiếp tục có nguy cơ xảy ra các đợt không khí lạnh mạnh.

"Đặc biệt trong tháng 1 và 2/2022 có thể xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài khoảng 3-5 ngày ở khu vực đồng bằng và 7-10 ngày ở các tỉnh vùng núi, cùng với đó có thể xảy ra hiện tượng băng giá ở các tỉnh vùng núi phía Bắc", ông Hưởng nói.

Liên quan một số ý kiến cho rằng những năm gần đây, miền Bắc nước ta không còn ghi nhận các đợt rét đậm, rét hại kéo dài như nhiều năm trước, ông Hưởng cho rằng, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân làm thời tiết trong vài mùa đông gần đây ít xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài, tuy nhiên về mặt khí hậu cũng có những quy luật nhất định.

"Có thể có những mùa đông liên tiếp rét đậm, rét hại kéo dài như năm 2008 và năm 2011. Có thể chu kỳ khí hậu đang ở giai đoạn là thời kỳ ấm liên tiếp, nhận định có thể vài năm tới mùa đông lại có thể xuất hiện các đợt rét kéo dài liên tiếp", ông Hưởng nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia cho biết, theo thống kê hàng năm thì ở các tỉnh Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, rét đậm, rét hại thường xảy ra sau dịp lễ Noel (sau ngày 25/12) và diễn ra trong tháng 1 và tháng 2 nên hiện tại Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ chưa ghi nhận rét đậm là hiện tượng bình thường.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn