• Zalo

Một nửa bãi biển trên thế giới có thể biến mất vào năm 2100

Khám pháThứ Tư, 04/03/2020 16:01:51 +07:00Google News

Những bãi biển cát, chiếm 1/3 bờ biển toàn cầu, đặc biệt "dễ bị tổn thương" do mực nước biển dâng gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Sử dụng các quan sát từ vệ tinh trong 35 năm qua, kết hợp với mô hình dự đoán biến đổi khí hậu, các chuyên gia cảnh báo Trái Đất có thể mất tới 50% bãi biển cát vào cuối thể kỷ 21, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change hôm 2/3.

Một nửa bãi biển trên thế giới có thể biến mất vào năm 2100 - 1

Bãi biển Ipanema ở Rio De Janeiro, Brazil. (Ảnh: IFL Science)

Nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, chỉ trong vòng 30 năm tới, khoảng 14-15% bãi biển cát trên thế giới sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. "Nếu mức độ xói mòn vượt quá 100 m, bãi biển đó có thể biến mất", tác giả chính của nghiên cứu Michalis Vousdoukas, nhà hải dương học và cán bộ khoa học tại Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Mức độ xâm lấn của nước biển, theo nghiên cứu, sẽ có sự khác nhau theo vị trí địa lý. Cụ thể, Gambia và Guinea-Bissau là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 60% bãi biển cát có thể bị nhấn chìm trong 80 năm tới, tiếp theo là Australia, Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Argentina.

Với khoảng 10% dân số thế giới sống ven biển, ước tính 5,3 triệu người sẽ phải di tản nếu mực nước biển dâng thêm 0,8 m. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người, xói mòn bờ biển còn đe dọa các loài động thực vật hoang dã bởi các bãi cát không chỉ cung cấp môi trường sống mà còn đóng vai trò như rào chắn tự nhiên ngăn bão và vòi rồng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng con người có thể kiểm soát phần nào những gì sẽ xảy ra với các bãi biển trên thế giới trong 80 năm tới. Bằng cách hạn chế khí thải nhà kính, chúng ta có thể giảm 17% thiệt hại do xói mòn bờ biển vào năm 2050 và 40% vào năm 2100 so với dự đoán trong nghiên cứu.

Video: Kỳ lạ loài sinh vật đầu tiên trên Trái Đất sống không cần thở

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn