Tàu vũ trụ InSight hạ cánh trên Sao Hỏa từ tháng 11/2018 làm nhiệm vụ thăm dò về Hành tinh Đỏ. Tháng 4/2019, lần đầu tiên tàu vũ trụ của NASA ghi nhận thông tin về các trận “marsquake” (động đất trên Sao Hỏa) nhưng chỉ là những cơn địa chấn nhỏ không đáng kể.
Tuy nhiên trong một bài báo trên tạp chí Nature Geoscience and Nature Communications đăng hôm 23/2, nhà thám hiểm chính của Insight, Bruce Banerdt, nói “cuối cùng, thì lần đầu tiên chúng tôi đã xác định được rằng Sao Hỏa là một hành tinh có hoạt động địa chấn mạnh hơn Mặt Trăng và ít hơn Trái Đất”.
Ông Banerdt cho rằng việc ghi lại các thông tin về “marsquake” rất quan trọng vì chúng giúp các nhà khoa học nghiên cứu rõ hơn về hành tinh này. Cho tới tháng 9/2019, máy đo địa chấn của InSight đã phát hiện 174 trận “marsquake”, trong đó có 20 trận ở cấp độ 3 đến 4.
Hiện nay, các cơn địa chấn trên Sao Hỏa được InSight ghi lại có độ sâu lớn hơn nhiều so với trên bề mặt Trái Đất. Những trận “marsquake” này thậm chí còn ở độ sâu tới 50 km (31 dặm), gấp 10 lần độ sâu các trận động đất trên hành tinh của chúng ta. Một người đứng trên bề mặt Sao Hỏa hoàn toàn có thể cảm nhận được sự rung chuyển từ những cơn địa chấn mạnh. Nhưng chúng không gây bất kỳ nguy hiểm nào đến các căn cứ nghiên cứu của chúng ta trên Hành tinh Đỏ.
Ngoài các báo cáo về “marsquake” được công bố, dữ liệu của Insight cũng cho thấy các bằng chứng về hàng nghìn cơn gió xoáy và bão bụi trên bề mặt Sao Hỏa. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy sự tương đồng về hoạt động khí quyển giữa Hành tinh Đỏ và Trái Đất.
“Đây là một dữ liệu tuyệt vời cho chúng ta thấy bức tranh về một ngày có tồn tại sự sống trên hành tinh khác”, nhà địa chất học Vedran Lekic thuộc nhóm Insight chia sẻ. Đồng nghiệp của ông, Nicholas Schmerr cũng bày tỏ niềm kỳ vọng: “Nếu có magma lỏng trên Sao Hỏa và xác định được hành tinh có hoạt động địa chất mạnh thì chúng ta sẽ có thể tìm kiếm được một sự sống tiềm năng nơi đây”.
Bình luận