• Zalo

Một năm xung đột Nga – Ukraine: Châu Âu như 'kẻ mộng du'?

Tư liệuChủ Nhật, 19/02/2023 15:20:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Một năm xung đột Nga – Ukraine, châu Âu vẫn đang gồng mình để áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga; đồng thời “căng mình” viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Một năm qua, bao trùm mọi cuộc họp quan trọng quốc tế, hầu hết đều nhắc tới cuộc xung đột Nga – Ukraine, bởi mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho tới an ninh lương thực toàn cầu. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải họp tới vài lần trong một tháng liên quan đến vấn đề này.

Một năm xung đột Nga – Ukraine: Châu Âu như 'kẻ mộng du'? - 1

Binh sỹ Ukraine vận hành xe tăng ở Lyman, Donetsk. (Ảnh: NYTimes)

Trong cuộc họp mới nhất của Hội đồng Bảo an vào cuối tuần, trong bối cảnh cuộc xung đột diễn ra sắp tròn 1 năm, Liên hợp quốc thừa nhận đã không có nhiều vai trò trong các tiến trình hòa bình tại Ukraine trong suốt 8 năm qua. Liên hợp quốc không là một phần của bất kỳ cơ chế đàm phán nào như Định dạng Normandy và cũng không tham gia ký‎ kết thỏa thuận Minsk, cũng như tham gia vào bất kỳ nhóm Liên lạc nào. Việc các bên không nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận ký kết đã không được kiểm soát, buộc Nga phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Miroslav Jenča, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách Châu Âu, Trung Á và Châu Mỹ cho biết: “Hòa bình không chỉ là việc ký kết một thỏa thuận. Chúng ta cần hòa bình bền vững và giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng do sự phức tạp của bối cảnh hiện tại ở Ukraine, cũng như những tác động của nó đối với tương lai của cấu trúc an ninh châu Âu và trật tự quốc tế”.

Cũng trong cuộc họp này, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh Ban Thư ký Liên hợp quốc “đã không hành động” khi chính phủ Ukraine tiến hành một cuộc chiến thực sự chống lại công dân của mình ở các khu vực phía đông từ năm 2014. Tuy nhiên, Liên hợp quốc lại đi theo các nước phương Tây để chỉ trích hành động Nga với những ngôn từ sáo rỗng, khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

Đến nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã sắp tròn một năm, Nga – phương Tây và Ukraine vẫn chưa tìm kiếm được bất kỳ một điểm chung nào, để có thể ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Những ngày qua, phương Tây liên tục thảo luận cung cấp khí tài hạng nặng và tân tiến cho Ukraine, thay vì chỉ cung cấp vũ khí sát thương như giai đoạn ban đầu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 18/2 cảnh báo, các nước châu Âu đang gián tiếp tham chiến với Nga: “Thực ra, các nước châu Âu đang gián tiếp gây chiến với Nga. Nếu họ cung cấp vũ khí, thông tin vệ tinh, hay đào tạo quân đội cho 1 bên tham chiến; song lại áp dụng trừng phạt với bên còn lại, thì không có vấn đề gì để không nói rằng, bạn đang trong xung đột - đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nguy cơ các nước châu Âu bị lôi vào xung đột luôn thường trực. Từ việc chỉ cung cấp vũ khí không sát thương, giờ là xe tăng máy bay chiến đấu được đưa vào nghị sự; rồi sẽ đến lúc là quân đội gìn giữ hòa bình. Châu Âu đang giống như những kẻ mộng du trên sân thượng vậy”.

Tuyên bố của Thủ tướng Hungary được đưa ra cùng ngày khi người đồng cấp Anh Rishi Sunak tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các nước đồng minh, nếu họ đồng ý gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Mỹ cũng bắt đầu ủng hộ ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine và điều này có thể khiến cuộc xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ 2 với nguy cơ có thể khốc liệt hơn, bởi vũ khí đang là chủ đề nghị sự chính của phương Tây khi họp bàn Ukraine, thay vì việc tìm kiếm đối thoại hòa bình.

Đình Nam(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn