Ukraine cần đến vũ khí nào cho chiến dịch phản công mùa xuân?

Quân sựThứ Sáu, 17/02/2023 16:12:13 +07:00
(VTC News) -

Xe tăng, máy bay có thể là những thứ vũ khí quân đội Ukraine mong muốn nhất lúc này nhưng họ không thể nào phản công nếu thiếu đạn pháo.

Các gói viện trợ quân sự mới được phương Tây cam kết cho Ukraine thời gian qua tuy tập trung nhiều vào các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc kế hoạch chuyển giao chiến đấu cơ, nhưng những vũ khí này chỉ đóng một phần trong kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev. Vũ khí mà quân đội Ukraine cần hơn bao giờ hết lúc này là đạn pháo.

Pháo binh vẫn đóng vai trò then chốt

Xung đột ở Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng đặc biệt của pháo binh trong chiến tranh hiện đại, chúng là thứ vũ khí duy nhất phù hợp cho việc đập tan các phòng tuyến hoặc ngăn chặn các bước tiến của kẻ thù.

Chỉ trong năm 2022, Mỹ đã vận chuyển hơn 1 triệu quả đạn 155 mm tới Ukraine, mỗi một quả đạn tiêu chuẩn tiêu tốn của quân đội Mỹ khoảng 800 USD.

Ukraine cần đến vũ khí nào cho chiến dịch phản công mùa xuân? - 1

Một lô đạn pháo 155 mm chuẩn bị được xuất xưởng tại nhà máy Scranton tại bang Pennsylvania (Mỹ), đích đến của chúng có thể là Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Theo một quan chức Lầu Năm Góc nói với Reuters, mục tiêu sản xuất đạn 155 mm của Mỹ đã tăng gấp ba lần từ 30.000 quả đạn mỗi tháng lên 90.000 quả mỗi tháng trong hai năm tới. Sự gia tăng khổng lồ phản ánh nhu cầu bổ sung nguồn cung của Mỹ cũng như của các đồng minh bao gồm Na Uy, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức và Italia, những nước đã gửi một số kho dự trữ đạn pháo của họ đến Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine đang “đốt cháy” số đạn pháo họ được viện trợ trên chiến trường nhanh hơn khả năng sản xuất của phương Tây. Điều này đặt ra bài toán khó cho kế hoạch phản công của Kiev nếu họ không có đủ số đạn pháo cần thiết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một tuyên bố ngày 13/2 cho biết các thành viên liên minh đang tăng cường sản xuất đạn pháo 155 mm nhưng vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa để giúp Ukraine.

Ukraine và Nga sử dụng lượng lớn đạn pháo từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022. Một quan chức Mỹ cuối tháng 11/2022 ước tính Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày, còn Ukraine khai hỏa 4.000-7.000 viên, thấp hơn đối phương song vẫn nhiều hơn khả năng sản xuất của các công ty vũ khí phương Tây.

Trong thông cáo ngày 14/2, lục quân Mỹ cho biết vừa đặt hàng hai nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman Systems và Global Military Products sản xuất lô đạn pháo 155 mm trị giá 552 triệu USD cho Ukraine. Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến bắt đầu từ tháng 3 năm nay, với ngân sách đến từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Năm Góc.

Từ những con số nói trên có thể thấy, đạn pháo luôn chiếm phần lớn viện trợ quân sự cho Kiev suốt thời gian qua, nhờ có chúng quân đội Ukraine mới có thể ngăn chặn các đợt tiến công của Nga cũng như thực hiện chiến dịch phản công mà họ đang ấp ủ.

Xung đột Ukraine khiến các nước châu Âu thay đổi tư duy

Không chỉ Ukraine, nhu cầu của châu Âu đối với vũ khí của Mỹ đang tăng vọt. Nhưng thay vì những mặt hàng có giá trị lớn như chiến đấu cơ và xe tăng, danh sách mua sắm lại tập trung vào các loại vũ khí rẻ hơn, kém tinh vi hơn như tên lửa vác vai, pháo và máy bay không người lái. Những loại vũ khí đang giúp Ukraine ngăn chặn thành công nhiều đợt tấn công của Nga.

Các quốc gia như Ba Lan, Phần Lan, Đức… đang đạt được các thỏa thuận chế tạo vũ khí của Mỹ ở châu Âu, những quốc gia này cũng đàm phán các thỏa thuận mới để mua vũ khí và tìm cách đẩy nhanh các hợp đồng hiện có.

Ukraine cần đến vũ khí nào cho chiến dịch phản công mùa xuân? - 2

Pháo binh Ukraine đang bắn ra số đạn pháo nhiều hơn cả số đạn phương Tây có thể sản xuất mỗi tháng. (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu tập trung vào các loại vũ khí và đạn dược cơ bản: đạn pháo 155 mm, hệ thống phòng không, thiết bị liên lạc, tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin và máy bay không người lái, nguồn tin của Reuters cho biết.

Việc tập trung vào đầu tư sản xuất các loại vũ khí thông thường, ít tốn kém hơn cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã định hình lại tư duy chiến lược ở các châu Âu về cách thức giải quyết các cuộc xung đột trong tương lai.

Hình ảnh về các cuộc chiến công nghệ cao phụ thuộc nhiều hơn vào máy tính và máy móc đã bị thay thế bằng thực tế về những cuộc đấu pháo không ngừng nghỉ và những người lính đào hầm trong chiến hào lầy lội.

Roman Schweizer, một nhà phân tích chính sách quốc phòng tại ngân hàng đầu tư Cowen, cho biết tỷ lệ sử dụng của Ukraine đối với cả vũ khí chính xác và không điều khiển đã cho các nước NATO thấy rằng bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai sẽ đòi hỏi lượng dự trữ đạn dược cao hơn nhiều so với dự đoán trong quá khứ.

Các tùy viên quân sự châu Âu nói với Reuters rằng chính phủ của họ đặc biệt quan tâm đến việc mua tên lửa Javelin sau khi thấy hiệu quả của loại vũ khí này ở Ukraine.

Trong khi đó, năm quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua đạn pháo dẫn đường chính xác 155 mm của Raytheon Technologies, theo một phát ngôn viên của công ty.

Bày tỏ quan tâm là bước đầu tiên trong quy trình mua sắm vũ khí gồm nhiều bước bao gồm sự chấp thuận của chính phủ Mỹ và các cuộc đàm phán giữa người mua và nhà thầu vũ khí. Có thể mất một năm hoặc hơn trước khi vũ khí thực sự được chuyển giao.

Trà Khánh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn