Món nóng - món mát: Món nào tốt hơn?

Dinh dưỡngThứ Hai, 24/10/2022 15:00:00 +07:00
(VTC News) -

“Con bớt ăn vải, xoài lại kẻo nóng”..., chủ đề “món nóng - món mát” chẳng xa lạ trong đời sống, vậy mà đôi khi, những chuyện nhỏ này cũng khiến gia đình “dậy sóng”.

Trời sang Thu, thời tiết Hà Nội dần se lạnh, nhưng trong nhà chị Hoàng Anh (29 tuổi, nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) vẫn âm ỉ nhiều cơn “bốc hỏa” vì những vấn đề xoay quanh chuyện ăn uống.

Mình và các con thì thích ăn hoa quả, nhất là vải, mít, xoài. Nhưng bà thấy các cháu thích ăn mấy loại hoa quả nói trên thì lại không vui, sợ cháu bị nóng trong. Lắm khi bà còn “lời ra tiếng vào” nên ăn ít thôi, rồi làm mẹ mà không biết chăm sóc con cái…”.

Câu chuyện ở nhà chị Hoàng Anh không phải là duy nhất. Sự bất đồng vì quan điểm món nóng - món lạnh cũng là tình cảnh quen thuộc tại nhiều gia đình khác.

Anh Thanh Tuấn (40 tuổi, chủ tiệm đá quý ở Bình Dương) chia sẻ: “Vợ tôi là dân nghiện sầu riêng chính hiệu, tháng nào không ăn ít nhất 1 trái thì đứng ngồi không yên. Lắm hôm thấy vợ, than thở vì nổi mụn, tôi nói thẳng vợ ăn nhiều sầu riêng thế, nóng nổi mụn là đúng rồi, chẳng oan tí gì. Ấy thế mà lời qua tiếng lại, vợ tôi dỗi nguyên cả ngày trời.

Món nóng - món mát: Món nào tốt hơn? - 1

Chẳng riêng gì hoa quả, ngay gói mì tôm nhỏ bé cũng có thể là nguồn cơn gây xung đột tại nhiều gia đình. Tuệ Chi (19 tuổi, sinh viên đại học, TP.HCM) thú nhận: “Nhà em chia hai phe, phe bố con đam mê mì tôm, còn mẹ phản đối kịch liệt. Mẹ bảo mì tôm gây nóng, không tốt cho sức khỏe. Thế nên lần nào mẹ đi công tác là bố con rủ nhau mua đủ các loại mì, ăn thỏa thích thì thôi. Có mỗi chuyện ăn mì, mà cũng phải lén lút, khổ thế chứ!

Chuyện sẽ không có gì, nhưng những mâu thuẫn, bất đồng nhỏ tích tụ lại sẽ thành chuyện lớn. Nhiều người thậm chí sẽ cảm thấy bức xúc khi đến việc ăn cũng bị kiểm soát một cách vô lý. “Nóng với chả mát, ăn gì ngon là được” – chị Hoàng Anh lắc đầu chán nản.

Cân bằng các nhóm thực phẩm

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Theo Tây y – trong khoa học dinh dưỡng không có khái niệm thực phẩm nóng, mát.

Theo đó, thực phẩm được phân chia dựa trên 4 nhóm chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, tương ứng là: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Vì thế, có thể nói món ăn nóng, món ăn mát vẫn dựa chủ yếu trên kinh nghiệm cá nhân, mang tính truyền miệng là chính, chứ chưa thật sự được kiểm chứng rõ ràng”.

Món nóng - món mát: Món nào tốt hơn? - 2

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, khái niệm món nóng, món mát được truyền miệng lâu đời trong dân gian vì nó bắt nguồn từ y học cổ truyền. Theo đó, thực phẩm sẽ được chia thành 4 tính chất hàn, lương, ôn, nhiệt (nghĩa là lạnh, mát, ấm, nóng).

Thế nhưng, y học cổ truyền cũng không phân biệt hay cho rằng thực phẩm nhiệt (nóng), hàn (lạnh) hay ôn (mát), … cái nào tốt hơn cái nào mà điều quan trọng là phải tạo ra được sự cân bằng giữa các tính chất của thực phẩm khi sử dụng. Theo đó sự cân bằng giữa các tính chất của thực phẩm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, chống chọi lại bệnh tật.

Trước ý kiến hay tranh cãi “món nóng gây nóng trong cho cơ thể”, PGS.TS.BS Lâm cho biết, thực chất bản thân thực phẩm hay món ăn nào đó không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng trong người khi ăn.

Các biểu hiện “nóng trong người” mà dân gian thường mô tả như ợ nóng, táo bón, nổi mụn, nhiệt miệng hay cáu gắt, hay có cảm giác nóng người sau khi ăn…thì dưới góc nhìn của Tây y, đây có thể là những triệu chứng của một số tình trạng tăng chuyển hoá, bệnh lý hoặc nguyên nhân có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau.

Theo đó, thay vì lo lắng món này hay món kia gây nóng dẫn tới tâm lý vừa ăn vừa lo, khiến mất đi cái ngon của món ăn thì chúng ta hãy cứ "chiều chuộng" khẩu vị của mình nhưng phải thực hiện chế độ ăn uống và vận động hợp lý.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn