• Zalo

Mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giữa 5 nhà

Sản phẩmThứ Ba, 25/09/2018 10:23:00 +07:00Google News

Theo TS. Hà Phương Thư, Phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, muốn thương mại hóa sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu hiệu quả, cần có với sự tham gia của 5 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, nhà đầu tư và người dân.

Là đơn vị có một số kết quả nhất định trong việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KHCN, Phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN đã có những chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động thương mại hóa sản phẩm công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu nano của mình.

Một số kết quả đạt được

Bên cạnh việc nghiên cứu cơ bản, Phòng Vật liệu nano Y sinh cũng chú ý đến các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong hệ dẫn thuốc nano được áp dụng ở 3 lĩnh vực chính là thủy sản, nông nghiệp và thực phẩm chức năng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, chỉ có 35 – 40% phân bón được hấp thụ vào cây trồng, khoảng 60% còn lại bị rửa trôi ra môi trường đất, nước và không khí. Chính sự rửa trôi này đang làm tốn kém chi phí cho người nông dân, đồng thời gây ô nhiễm môi trường và góp phần vào những ảnh hưởng tiêu cực của sự biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng đó, Phòng Vật liệu nano Y sinh đã chế tạo ra phân bón với kích thước nano tuy khả năng nhả chậm nhưng có thể vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa cung cấp được độ ẩm ở lượng sử dụng rất nhỏ, chỉ từ 1/100 – 1/50 so với các loại phân bón thông thường. Do đó, phân bón với kích thước nano có thể giúp nâng cao khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây trồng và giảm thiểu thất thoát ra môi trường.

Phòng Vật liệu nano Y sinh đã áp dụng rất thành công sản phẩm này trên 84ha hợp tác xã ở Nam Định. Hiện tại, Phòng đang hợp tác rất chặt chẽ với doanh nghiệp để làm những hồ sơ, thủ tục xin cấp phép cho loại phân bón này ra thị trường.

Trong lĩnh vực thủy sản, Phòng Vật liệu nano Y sinh đã nano hóa các loại kháng sinh để dùng trong phòng và chữa bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng. Xuất phát từ thực tế rằng tỉ lệ tôm xuất khẩu của Việt Nam ra các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu trả về rất nhiều do dư lượng kháng sinh tồn dư trên tôm lớn.

mo hinh lien ket 5 nha (1)

Sản phẩm được sản xuất từ phức hệ nano FGC do Phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN đã được thương mại hóa (Ảnh: Hà Hoa) 

Như vậy, muốn để cho không bị bệnh, phòng được bệnh mà vẫn xuất khẩu được ra các thị trường khó tính chỉ có cách duy nhất là giảm thiểu lượng nhưng vẫn tăng được hiệu quả chữa trị của kháng sinh ở trên tôm. Từ đó, Phòng đã sáng chế thành công hệ kháng sinh nano và đã thử nghiệm thực tiễn đạt kết quả tích cực.

Ở một hồ nuôi tôm chân trắng ở Huế với mật độ nuôi là 150 con/m2, nếu sử dụng kháng sinh thông thường, người nuôi tôm sẽ trộn 5 – 10g kháng sinh trong 1kg thức ăn. Tuy nhiên, sau khi nano hóa kháng sinh, họ chỉ cần trộn 50mg kháng sinh/1kg thức ăn, tức là đã giảm đi được lượng kháng sinh sử dụng, chỉ bằng 1/200 – 1/100 so với kháng sinh thông thường.

Sau khi nuôi 70 ngày có sự đối chứng giữa hồ nuôi sử dụng kháng sinh thông thường và kháng sinh đã được nano hóa, kết quả cho thấy khối lượng, chiều và tỷ lệ sống xót của tôm khi sử dụng kháng sinh nano cao hơn rất nhiều so với kháng sinh bình thường. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực đối với việc dùng kháng sinh trong thủy sản.

Mới đây, Phòng Vật liệu nano Y sinh cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Thuốc Trung ương 5 trong việc chuyển giap kháng sinh nano làm sản phẩm ứng dụng trong phòng ngừa và trị bệnh cho tôm thẻ chân trắng.

Trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, từ năm 2013, Phòng Vật liệu nano Y sinh đã chế tạo thành công nguyên liệu nano curcumin. Cũng từ nguyên liệu này, phối hợp thêm một số dưỡng chất khác, Phòng cũng đã có 10 sản phẩm thực phẩm chức năng.

“Tuy nhiên, để thương mại hóa nó, đó là một vấn đề vô cùng khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới chỉ thương mại hóa được chỉ một sản phẩm duy nhất là phức hệ nano FGC, các sản phẩm khác vẫn đang trong quá trình tìm kiếm, hợp tác chuyển giao”, TS. Hà Phương Thư, Phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chia sẻ.

Tháng 10/2016, Phòng đã chuyển giao thành công phức hệ nano FGC cho Công ty Cổ phần Dược phẩm CVI. Phức hệ nano này được sản xuất dựa trên 3 thành phần là fucoidan từ rong nâu, saponin và curcumin từ củ nghệ với kích thước trung bình là 70nm và độ tan của curcumin tằng từ 2 – 4 nghìn lần so với curcumin thông thường. Nó có khả năng ức chế được sự phát triển của các tế bào ung thư phổi, tiền liệt tuyến và tăng cường các chỉ số miễn dịch, dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu.

Kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm KHCN

Theo bà Thư, các nhà khoa học không thể biến những thành quả nghiên cứu của mình thành sản phẩm được, mà bắt buộc phải qua các doanh nghiệp để có thể đưa nó đến với người tiêu dùng. Bởi vì nhà khoa học không có đủ chức năng để xin cấp phép ở các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thương mại hóa sản phẩm. Do đó, rất cần có sự góp mặt doanh nghiệp.

Có 2 việc mà nhà khoa học phải làm một cách triệt để: Thứ nhất, trong việc nghiên cứu, họ phải xác định rõ được vấn đề nghiên cứu, xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn nghiên cứu, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả nghiên cứu. Thứ hai, trong quá trình hoàn thiện công nghệ, nhà khoa học cần đánh giá tính khả thi của các kết quả nghiên cứu và hiện thực hóa kết quả nghiên cứu bằng những quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất phù hợp.

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp có 2 chức năng chính là sản xuất và thương mại. Trong sản xuất, doanh nghiệp phải đầu tư cho việc xây dựng cơ sở, trang thiết bị sản xuất cũng như đảm bảo các điều kiện cho quá trình sản xuất, bao gồm vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất, nhân lực… Trong thương mại, họ cần nghiên cứu, xác định thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối.

mo hinh lien ket 5 nha (2)

 TS. Hà Phương Thư, Phòng Vật liệu nano Y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (Ảnh: Phan Minh)

“Do đó, về vấn đề kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng các nhà khoa học và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tìm kiếm thông tin, có mối quan hệ chặt chẽ; cần có hoạt động tích cực của các kênh truyền thông, thông tin chính thống và các tổ chức trung gian để kết nối với những doanh nghiệp”.

Về vấn đề tài chính cho hoạt động hoàn thiện, chuyển giao công nghệ, giải pháp là cần phải có sự hỗ trợ từ những cơ quan quản lý, như các quỹ đổi mới KHCN, quỹ innofund... Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cũng cần quan tâm hơn đối với hoạt động đổi mới công nghệ, hình hành các quỹ riêng cho việc phát triển KHCN.

“Muốn thương mại hóa sản phẩm công nghệ, kết quả nghiên cứu được hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần có với sự tham gia của 5 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, nhà đầu tư và người dân”, bà Thư khẳng định.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn