• Zalo

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới'

Tin nóngThứ Sáu, 11/11/2022 08:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

“Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trở thành phương tiện đi lại của hàng chục nghìn người dân và cái được lớn nhất là dần hình thành văn hóa giao thông mới”.

Đó là nhận định của ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khi nói về cảm nhận sau 1 năm vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 1

Sau 1 năm, Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới.

Theo ông Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau một năm đi vào vận hành, khai thác đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là lực lượng xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn.

“Tuyến Metro này cũng góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Nếu hệ thống kết nối được đầu tư mở rộng hơn nữa, phương thức đi lại này chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tham gia giao thông bởi sự thuận thiện, an toàn, văn minh”, ông Trường nói.

Gần 7,5 triệu hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Theo Tổng giám đốc Hanoi Metro, từ ngày 6/11/2021 đến hết 6/11/2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - tuyến đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước đã trải qua 360 ngày khai thác an toàn và vận chuyển được gần 7,5 triệu hành khách.

“Hiện nay, mỗi ngày có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ Nhật) dao động 26.000-28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa. Khách đi lại thường xuyên là 5.000-6.000 người”, ông Trường cho biết.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 2

Khách lựa chọn đi tàu Cát Linh - Hà Đông ngày càng tăng lên.

Theo đánh giá của cư quan chức năng, khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến.

Tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn và giải quyết căn cơ tận gốc rễ bài toán đặt ra với giao thông đô thị.

“Kết quả này hết sức quan trọng. Qua vận hành, người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh an toàn thân thiện. Nếu như trước đây nói người dân ngại đi 200-300 m nhưng hiện đi bộ 1-2 km để tiếp cận giao thông công cộng, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị”, ông Trường cho biết.

Dần hình thành văn hóa giao thông mới

Theo ông Trường, tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Từ ngày 1/9/2022, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác với tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn tàu; giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu (lượng khách tăng khoảng 15%).

“Bước đầu tuyến đường sắt đô thị đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Việc vận hành được thực hiện theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Hanoi Metro đã đưa ra”, ông Trường nhấn mạnh.

Sau 1 năm vận hành, doanh thu vận tải hành khách trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông ghi nhận trong năm 2021 và 9 tháng của năm 2022 đạt hơn 53 tỷ đồng.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 3

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn là sự lựa chọn đi lại của nhiều lứa tuổi ở Thủ đô.

Trong đó, doanh thu năm 2021 đạt hơn 5,3 tỷ đồng, riêng 9 tháng của năm 2022 đạt hơn 47 tỷ đồng. Sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng bình quân khoảng 20%, và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong các tháng cuối năm 2022.

Thường xuyên đi tàu Cát Linh - Hà Đông khoảng 3 tháng nay, chị Trần Mai Thu ở Yên Nghĩa, Hà Đông, hiện đang làm việc tại một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, chị khá thích thú và hào hứng dùng Metro Cát Linh - Hà Đông để đến cơ quan đi làm.

Chị Thu cho biết, do nhà cũng ở khá xa, đi đường mất nhiều thời gian và hay bị ùn tắc. Lúc đầu chị cũng không nghĩ là mình có thể đi lại bằng tuyến Metro này. Sau thấy bạn bè trong cơ quan rủ nhau “đi cho biết”, thế là sau buổi đi thử, vài ngày sau chị “đổi ý” và đi làm bằng tàu điện.

“Sáng tôi đạp xe từ nhà ra ga Yên Nghĩa, cách khoảng 3 km, sau đó gửi xe ở ga, mua vé đi tàu điện. Đến ga Cát Linh tôi đi thêm 1 tuyến xe buýt nữa là đến được chỗ làm. Giờ thì việc này tôi đã quen và thấy rất thoải mái…”, chị Thu cho biết.

Về “điểm chưa được” của Metro Cát Linh - Hà Đông theo chị Thu cũng như nhiều người khác đó là các điểm trông giữ xe hiện nay vẫn chưa thuận tiện cho khách đi tàu. Bản thân chị phải gửi xe tại khu vực Bến xe Yên Nghĩa nhưng nhiều thời điểm chỉ hơn 7h sáng, nhân viên đã báo hết chỗ. Khi đó chị lại phải cuống cuồng tìm chỗ gửi ở các khu vực lân cận, vòng vèo rất mất thời gian.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 4

Người trẻ ở thủ đô chuyển sang đi tàu Cát Linh - Hà Đông vì thấy có nhiều thuận lợi.

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt - Đức, việc ngày càng có nhiều người đi tàu điện trên cao cho thấy hành khách đã nhận ra sự ưu việt của loại hình vận tải mới này. Tuy nhiên, theo ông Tuấn do có một tuyến đơn độc nên số lượng hành khách thực tế vẫn thấp so mục tiêu đề ra.

“Theo công suất thiết kế, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, tương đương khoảng 80 triệu hành khách/năm, đáp ứng 55-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến. Trong 3 năm đầu đi vào vận hành, Hanoi Metro đặt mục tiêu mỗi năm vận chuyển từ 30 - 40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50 - 60 triệu hành khách và có thể đạt 80 - 90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Với số lượng 26.000 - 32.000 khách khách/ngày như hiện nay, chưa giúp trục đường xóa được ùn tắc do các tuyến khác chưa vận hành và liên thông với nhau”, ông Tuấn phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trường, nếu tuyến kéo dài lên tận Xuân Mai thêm 21,5 km thì là dữ liệu như vậy, còn về sau đã điều chỉnh lại. Do đó 1-3 năm đầu công suất là 10-15 triệu hành khách/năm.

Người Việt đã vận hành toàn bộ tuyến

Theo ông Vũ Hồng Trường, Metro Cát Linh - Hà Đông đến nay vận hành tốt và có được đông đảo hành khách đi tàu chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các bộ ban ngành và Hà Nội, sự chia sẻ khó khăn, ủng hộ của người dân và sự cố gắng hết mình của đội ngũ cán bộ công nhân viên Metro Hanoi dù bao khó khăn cố gắng vượt lên chính mình để hoàn thành sứ mệnh được giao.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 5

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 7,5 triệu hành khách an toàn.

“Để một tuyến Metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa biểu đồ, phương thức vận hành nhằm đảm bảo thuận lợi tốt nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố, quá trình này liên tục cải tiến và không ngừng nghỉ”, ông Trường nói.

Đặc biệt, sau gần một năm vận hành, Hanoi Metro tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp tận tình chu đáo, lấy sự hài lòng của hành khách làm niềm vui động lực phấn đấu. Giai đoạn đầu có chuyên gia nước ngoài là Bắc Kinh Metro hướng dẫn, xử lý các sự cố.

Theo ông Trường, đến nay toàn bộ tuyến người Việt Nam đã làm chủ được quản lý vận hành. Đây là đội ngũ nòng cốt để đơn vị tiếp nhận vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm nay và sẵn sàng tiếp viện nhân sự tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM.

“Sau khi đi vào hoạt động, cán bộ, công nhân viên và lái tàu đã có công việc ổn định. Áp lực lớn về tiền lương được giải tỏa phần nào. Hiện nay, lái tàu nếu vận hành đủ ngày công thì thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Các chức danh khác có thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng, thấp nhất là 6,5 triệu đồng. Năm nay có nâng lương theo tỷ lệ quy định. Những năm trước chưa vận hành, người lao động không có phúc lợi Tết…”, ông Trường hào hứng cho biết.

Ông Trường bày tỏ, khi tuyến Metro đi vào hoạt động, ông phải cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng vượt lên của đội ngũ cán bộ công nhân viên những người thực sự đam mê, tâm huyết sống chết vì nghề, vì trong thời gian chờ nhận bàn giao dự án, nhiều lái tàu, nhân viên Metro sẵn sàng làm những công việc khác để tồn tại.

Mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng

Khi được hỏi về cảm nhận sau khi trải qua một năm đi làm vận hành Metro Cát Linh - Hà Đông, còn những khó khăn của dự án này là gì và khi vận hành tuyến đường sắt này, đã có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi hay áp lực gì, áp lực đó như thế nào… ông Trường cho rằng, “khó khăn thì không bao giờ hết, vấn đề là đối đầu, xử lý như thế nào”.

'Metro Cát Linh - Hà Đông đã dần hình thành văn hóa giao thông mới' - 6

Ông Vũ Hồng Trường nói và cho rằng, mọi sự cố gắng không bao giờ uổng phí và sẽ được ghi nhận.

“Chúng tôi chuẩn bị đội ngũ lao động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tàu để dần làm chủ công nghệ; phải có cải tiến để nâng cao tiện ích cho người dân như thử nghiệm hệ thống thẻ vé thông minh hơn, tích hợp xe buýt mua sắm online, QR code; khai thác tiềm năng thương mại các nhà ga để tăng tiện ích, tính hấp dẫn, tận dụng thương mại để tạo doanh thu giảm trợ giá cho thành phố; chuẩn bị đội ngũ vận hành Nhổn-ga Hà Nội, giảm dần sự phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài”, ông Trường cho biết.

Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ về cảm xúc “sáu tháng đầu tiếp nhận ông đã không thể ngủ yên”. Trong đó, theo ông “sợ nhất cuộc điện thoại nửa đêm và đầu giờ sáng vì anh em lúc đầu mới vận hành thấy khác nên còn nhiều bỡ ngỡ”.

“Tôi cũng không dám đi khỏi Hà Nội 6 tháng đầu đồng thời yêu cầu cán bộ chủ chốt, quân số đi làm không có ngày nghỉ cuối tuần mà làm thêm tăng cường trong thời gian đầu vận hành, khai thác tuyến”, ông Trường bộc bạch.

Còn bây giờ, niềm vui, hạnh phúc của ông sau thời gian tuyến Metro này đưa vào khai thác là gì những điều bình dị trong cuộc sống, công việc hàng ngày liên quan đến tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông.

“Tuyến Metro cũng mang lại những điều hạnh phúc bình dị, chân thành như 2 vợ chồng đi từ Bắc Ninh ra đây gửi xe máy để đi trải nghiệm Metro Cát Linh - Hà Đông, nhưng trên tay vẫn ôm khư khư mũ bảo hiểm vì sợ mất; bà mẹ miền Nam đi ra đây để gặp tôi và thành thật chia sẻ “niềm sung sướng lần đầu được đi tàu điện, giờ có chết cũng yên lòng”. Hay nhiều người thường nói vui với tôi rằng: “Nhà ga hay trên tàu Cát Linh - Hà Đông là điểm chụp ảnh đám cưới cho các đôi bạn trẻ; Ngày 2/9 vừa rồi, nhiều người dân ở các vùng ngoại thành, các tỉnh đi về mặc áo phông mang cờ đỏ sao vàng nói rằng ngày Tết Độc lập vừa vui chơi và trải nghiệm phương tiện vận tải công cộng...”, ông Trường kể.

Bên cạnh đó, niềm vui lớn theo ông cũng muốn kể lại, hiện nay Metro Hanoi cũng có 20 cặp thành vợ, thành chồng từ quá trình lao động sản xuất tại dự án Metro Cát Linh - Hà Đông nảy sinh tình yêu và có hơn 40 cháu bé đã ra đời.

“Có nhiều con em công nhân viên lao động đã thể hiện tình yêu mến với Hanoi Metro, như một cháu học lớp 6 vẽ về tàu của bố và được giải 3 của thành phố. Đó là niềm vui, hạnh phúc với những cán bộ, công nhân viên Công ty. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân… Sẽ nhớ mãi những ngày xưa ấy, bao buồn vui chở theo những chuyến tàu. Để mai này ta mãi mãi nhớ thương nhau”, ông Vũ Hồng Trường nói và cho rằng, mọi sự cố gắng không bao giờ uổng phí và sẽ được ghi nhận.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05 km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Tuyến đường sắt này được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11/2021 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu.

Vé tàu được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá gồm các loại: Vé lượt (8.000 - 15.000 đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140.000 đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).

Phi Long(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn