Mật ong: Mật ong từ xa xưa được sử dụng như một bài thuốc trị ho nhờ có tính giảm đau và kháng khuẩn. Mật ong giúp làm dịu lớp niêm mạc bị kích ứng, đồng thời hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn gây ho.
Nước muối: Súc miệng nước muối có lẽ là biện pháp phổ biến và thực tế nhất được áp dụng khi bạn bị ho. Súc miệng nước muối ấm nhiều lần trong ngày giúp làm loãng đờm, đào thải các vi khuẩn gây ho ra khỏi cơ thể, đồng thời giảm sưng viêm họng.
Viên ngậm trị đau họng: Viên ngậm trị đau họng giúp làm dịu cơn ho bằng cách gây tê cuống họng, từ đó giảm kích ứng họng. Bạn nên chọn các loại viên ngậm chứa các thành phần hoạt tính như mật ong, dầu bạc hà hay menthol.
Nghệ: Nghệ chứa curcumin, chất có tác dụng giảm sưng viêm họng và giảm ho nhờ có tính kháng khuẩn và kháng viêm. Hãy đun sôi nửa lít nước, sau đó hòa vào đó 1 thìa bột nghệ và tiếp tục đun trong khoảng 3 đến 4 phút. Uống hỗn hợp vài lần mỗi ngày sẽ giúp giảm triệu chứng ho.
Xông hơi: Xông hơi là cách trị ho và nghẹt mũi hiệu quả. Xông hơi giúp làm loãng đờm, cấp ẩm cho họng và làm thông thoáng đường thở. Thêm một vài giọt tinh dầu vào nước xông hơi sẽ giúp tăng hiệu quả hơn nữa.
Tắm nước nóng: Tương tự như xông hơi, tắm nướng nóng giúp làm loãng đờm và chất nhầy ở cổ họng và lồng ngực. Tắm nước nóng còn giúp thư giãn cơ thể, làm giảm các triệu chứng kèm theo như đau nhức cơ thể.
Siro gừng bạc hà: Tính kháng viêm, gây tê và làm dịu của gừng giúp giảm tình trạng kích ứng và ngứa họng. Bạc hà cũng có tác dụng tương tự. Bạn có thể mua siro gừng bạc hà tại hiệu thuốc hoặc tự làm siro tại nhà và bảo quản trong tủ lạnh.
Sữa nóng và mật ong: Như đã nói ở trên, mật ong là bài thuốc chữa ho cực kỳ hiệu quả, nhưng sẽ còn hiệu quả hơn nếu bạn hòa mật ong với sữa nóng. Sữa nóng giúp long đờm và giảm cơn đau tức ngực.
Cỏ xạ hương: Cỏ xạ hương là thảo dược hiệu quả trong điều trị các bệnh về đường hô hấp. Lá xạ hương chứa chất flavonoids có tính kháng khuẩn, giúp thư giãn các cơ họng và giảm viêm. Hãy đun sôi vài lá xạ hương nghiền với nửa lít nước, hãm trong vòng 5 đến 10 phút, sau đó loại bỏ phần lá và uống.
Thục quỳ: Phần nhựa của rễ cây thục quỳ từ lâu được sử dụng để trị ho và đau họng. Rễ thục quỳ chứa chất nhầy có tác dụng làm dịu họng và long đờm. Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng rễ thục quỳ cho trẻ dưới 3 tuổi.
CTV Ngọc Diệp/VOV.VN (Nguồn: facty)
Bình luận