Vietnam Airlines sắp cạn tiền
Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines sẽ sớm cạn tiền mặt nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ. “Vietnam Airlines gặp khó khăn chưa từng có vì COVID-19. Doanh thu của doanh nghiệp giảm 95%”, ông Hiền nói.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của hãng bị giảm mạnh trong khi chi phí vẫn phát sinh khoảng 2.100 tỷ đồng gồm phí thuê tàu bay, bảo dưỡng, chi trả lương cho lao động, khấu hao tài sản…
Từ đó Vietnam Airlines đề xuất các giải pháp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Cụ thể, hãng kiến nghị khoản vay tái cấp vốn với quy mô tối thiểu 4.000 tỷ VNĐ, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp. Thời gian vay tối thiểu là 03 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Hãng cũng xin được phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao SCIC/doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước. Quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ VNĐ.
Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ VNĐ để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Tuy vậy, theo Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines, các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành như: Luật các Ngân hàng nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật 69 về quản lý và sử dụng vốn nhà nước, Nghị định 32…. “Do vậy, cần thiết phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của COVID 19”, ông Hiền nói.
Vẫn theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hãng bị thiệt hại nặng nề nhưng “trụ” được đến hiện tại vì trước dịch hãng có tiềm lực rất mạnh, dòng tiền dương ổn định… Bên cạnh đó, doanh nghiệp tự cắt giảm tối đa chi phí, tiết kiệm 4.300 - 4.500 tỷ đồng trong năm 2020. Hãng cũng đàm phán với các đối tác, giảm tiến độ thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng từ nay tới 2021.
Nhưng hãng sẽ không gắng gượng được lâu do cạn tiền mặt, đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. “Vietnam Airlines đang cần Chính phủ hỗ trợ ít nhất là 4.000 tỷ đồng và có thể lên tới 12.000 tỷ đồng để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi không xin từ ngân sách, chúng tôi vay và sẽ trả trong thời gian 3 năm. Vietnam Airlines có thừa cân đối tài sản để thanh toán”, ông Hiền nói.
Singapore hỗ trợ Singapore Airlines 13 tỷ USD
Dẫn báo cáo của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ông Hiền cho biết tính đến ngày 15/5, ngành hàng không thế giới cần hỗ trợ khoảng 250 tỷ USD và các quốc gia đã hỗ trợ 124 tỷ USD.
Trong đó, Chính phủ Singapore cung cấp gói hỗ trợ 19 tỷ SGD (13 tỷ USD) cho Singapore Airlines; Chính phủ Nhật Bản xem xét khoản vay trị giá 10 tỷ USD cho ANA Holdings Inc. và trợ cấp tiền lương; Chính quyền Hongkong tung gói cứu trợ tài chính 39 tỷ HKD (5 tỷ USD) cho Cathay Pacific; Chính phủ Indonesia cung cấp gói cứu trợ 1 tỷ USD cho Garuda Indonesia… Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan phương thức hỗ trợ của họ chủ yếu bảo lãnh cho vay và hỗ trợ cho vay, phát hành cổ phiếu.
Theo ông Hiền khoản hỗ trợ mà Vietnam Airlines kiến nghị chỉ tương đương 500 triệu USD, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
“Vietnam Airlines cho rằng khoản hỗ trợ từ cổ đông nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào cũng cần được triển khai kịp thời, có quy mô phù hợp để không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như cần có cơ chế đặc thù thời COVID-19 do đây là tình huống khẩn cấp”, ông Hiền nói.
Trước đó, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) có văn bản gửi Thủ tướng về việc ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.
Báo cáo nêu rõ Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng, ước lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kết hoạch, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Hiện Vietnam Airlines dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và chỉ duy trì khai thác các đường bay nội địa.
Báo cáo gửi Thủ tướng cũng nêu rõ vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
“Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020”, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu.
Bình luận