8h30 ngày 4/2 (23 tháng Chạp), bà Nguyễn Thị Thùy Liên (phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, Hải Dương) xắn tay áo, lấy thức ăn được mua tích trữ sẵn trong tủ lạnh, một mình chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Còn ông Vũ Văn Hiền (chồng bà) vẫn đang nhanh tay dọn dẹp, mài dao, kéo.
"Năm nay đồ đạc không sắm sửa được nhiều, mâm cỗ đơn giản nên chỉ cần mình tôi chuẩn bị là được", bà Liên nói rồi nhanh tay bỏ thịt lợn vào nồi để luộc.
Sau 2 tiếng đồng hồ, mâm cỗ cúng Táo quân được bà Liên hoàn tất. Mâm cúng gồm bát canh miến, đĩa thịt lợn luộc, giò, chả rươi và nem thính, mỗi món chia làm 2 đĩa, thêm chén rượu cùng lọ hoa được đặt sẵn trên ban thờ. Tuy nhiên, đồ cúng quan trọng nhất cho ngày 23 tháng Chạp là cá chép thì năm nay bà Liên không có.
Bà bảo, không phải vì điều kiện kinh tế không cho phép sắm sửa, mua cá chép mà do TP Chí Linh phong tỏa, bà cũng không đi chợ. Năm trước còn có con gà, hoa quả, bánh kẹo, đến thời điểm này ban thờ nhà bà cũng ngập hoa và bánh trái, chỉ chờ tiếng pháo Giao thừa vang lên để cùng chúc nhau năm mới nhiều sức khỏe.
"Mọi năm, nhà tôi giờ này vui lắm, con cháu, họ hàng đến đầy nhà. Tôi làm sẵn 2-3 mâm cơm để mọi người cùng vui vẻ những ngày cuối năm, cũng là tiễn ông Công ông Táo về trời. Tầm 11h, chúng tôi lấy cá chép thả ở hồ Mật Sơn ngay trước cửa nhà. Hồ Mật sơn ngày đó người đi thả cá chép đông như trẩy hội. Khi biết có dịch, tôi mua sẵn thức ăn để trong tủ lạnh, cộng thêm 2 con gà nuôi sẵn ở vườn là đủ ăn Tết", bà Liên chia sẻ.
23 tháng Chạp năm nay, nhà bà vắng tanh, chỉ có 2 vợ chồng đi ra đi vào. Con trai lớn của bà làm công an tại Hà Nội, nhiều năm phải trực Tết. Năm nay, anh dự định sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ thành công Đại hội XIII của Đảng, đến 27 âm lịch anh sẽ cùng vợ con về ăn Tết cùng bố mẹ.
Nhưng Đại hội Đảng vừa kết thúc, anh lại bắt tay ngay vào công tác phòng chống dịch COVID-19, mọi kế hoạch đoàn viên năm mới cùng bố mẹ đành gác lại.
Con trai út của bà Liên đi lao động bên Nhật, tháng 6 năm ngoái là hết hạn hợp đồng nhưng vì dịch không về được, công ty gia hạn hợp đồng. Anh dự định về nước vào tháng 1/2021, nhưng trong nước lại bùng dịch nên vẫn chưa trở về được. Họ hàng hai bên nhà nào ở yên nhà đó, chỉ còn vợ chồng bà Liên bên mâm cơm ngày tiễn ông Công ông Táo về trời.
Điện thoại để ở phòng khách reo lên, bà Liên rửa tay vào nghe điện thoại. Lát sau bà gọi hỏi chồng: "Ông vừa vào chợ có đi được không, có đứa cháu bảo vào chợ mua đồ về cúng nhưng người ta chăng dây không đi lại được?". Ngừng việc dọn dẹp, ông Cường bảo vợ: "Trong đấy nghiêm ngặt lắm". Rồi không ai bảo ai, 2 vợ chồng lại tiếp tục công việc của mỗi người.
Hơn 11h, mâm cơm cúng xong, bà Liên bày mâm cơm, 2 vợ chồng ăn qua loa để không nhớ bữa, không khí trầm lắng. Cuối bữa, bà Liên cất những phần thức ăn thừa vào tủ lạnh, tiết kiệm thực phẩm trong những ngày phong tỏa.
"Tôi làm quản lý ở bến cảng, hàng ngày vẫn đi đi về về nhưng Giao thừa thì không được về, bà nhà tôi chắc phải đón Giao thừa một mình. Mọi năm ngày này vui vẻ nhộn nhịp nhưng năm nay hiu quạnh quá.
Nhưng ở đây còn có thể đi thả cá chép chứ nhiều nhà trong khu cách ly, nhiều người ở nơi khác còn không cúng được trong ngày này", ông Hiền nói rồi hướng mắt nhìn về hồ Mật Sơn vắng lặng, không có bóng người nào đi thả cá chép.
Thấy có người mang túi cá đi xe máy trên đường, ông Hiền gọi lớn: "Cháu ra đi, có người thả cá rồi".
Người hiếm hoi đi thả cá xuống hồ Mật Sơn là anh Phạm Phương Nam (ở đường Lê Hồng Phong, phường Sao Đỏ). "Mọi năm giờ này không có chỗ để đứng thả cá, năm nay lại chẳng có ai", anh Nam cười rồi kéo cao khẩu trang.
Sáng sớm, anh tranh thủ ra chợ Sao Đỏ mua cá chép về nhà, thêm bát canh, đĩa thịt gà, đĩa giò thành mâm cơm cúng Táo quân, rồi cùng bố mẹ và mấy đứa cháu ngồi vừa ăn vừa hàn huyên.
"Năm trước, bạn bè tôi tới cùng ăn vui vẻ lắm nhưng bây giờ tình hình dịch bệnh nên không được tụ tập để dịch sớm được đẩy lùi", anh Nam chia sẻ.
Bình luận