Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam, khoảng 80% các trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao là người bệnh lý tim mạch từ trước. Một số người biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Tình trạng đột quỵ ở vận động viên xảy ra phổ biến nhất trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu ở cường độ cao. Lý do chính gây đột quỵ ở vận động viên là bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh, sử dụng chất kích thích như doping.
Nguyên nhân gây đột quỵ tim do vận động gắng sức có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như người sau 35 tuổi có nguy cơ cao hơn, nam giới nguy cơ hơn nữ giới.
Theo bác sĩ Mạnh, tập luyện thể dục gắng sức như chạy bộ cường độ cao có thể dẫn tới đột quỵ ở cả người già và người trẻ, nhất là nhóm người mắc bệnh lý nền như cơ tim giãn nở, bệnh mạch vành. Đây là nhóm bệnh lý thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt.
Chỉ khi người bệnh vận động gắng sức, đột ngột mới phát hiện bệnh. Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh rủi ro.
Các biện pháp tầm soát
Khám sức khỏe định kỳ: Vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim.
Sàng lọc tiền sử bệnh tật: Bạn cần chia sẻ đầy đủ tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình cho bác sĩ.
Lưu ý khi chạy bộ để tránh đột quỵ
Để phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ, người chạy cần thực hiện tốt các lưu ý dưới đây.
- Bạn cần khởi động đủ và toàn diện tất cả các nhóm cơ, không khởi động quá lâu vì sẽ làm oải cơ, tiêu hao quá nhiều năng lượng, khởi động đúng trình tự, từ các động tác nhẹ, dễ đến các động tác khó để làm nóng cơ dần dần. Khi thời tiết lạnh, bạn phải khởi động thật kỹ, tuân thủ nguyên tắc tăng cường độ và liều lượng các động tác lên từ từ vì rất dễ rách cơ.
- Bạn không nên dùng các loại dầu nóng xoa bóp để làm nóng thay thế khởi động vì biện pháp này chỉ làm nóng ngoài da do hóa chất chứ gân cơ, dây chằng chưa đủ ấm.
- Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, bạn cần phải kiểm tra thể lực xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp.
- Trong quá trình chạy, bạn cần điều chỉnh cường độ, không nên bắt đầu chạy quá nhanh hoặc quá mạnh, hãy tăng dần cường độ và khoảng cách khi cơ thể đã sẵn sàng. Bạn cần có kế hoạch tập luyện tăng dần cường độ và quãng đường chạy, ví dụ mỗi tuần chỉ nên tăng 200m quãng đường, không tự ý tăng đột ngột quãng đường chạy.
- Giữ cơ thể mát mẻ, bổ sung nước và điều chỉnh cơ thể tránh sốc nhiệt.
- Trong quá trình chạy bạn hãy lắng nghe cơ thể, khi cảm thấy không thoải mái hoặc quá mệt hãy dừng lại và nghỉ ngơi, nếu cần thiết hãy gọi trợ giúp.
- Khi hoàn thành quá trình chạy, bạn hãy dần dần giảm tốc độ và làm một số động tác co giãn giúp cơ thể phục hồi.
Trên đây là những lưu ý khi chạy bộ để tránh đột quỵ. Để đảm bảo việc chạy bộ đem lại hiệu quả tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khoẻ, hoặc tìm đến bác sĩ để được tư vấn, tránh những hệ quả đáng tiếc xảy ra trên đường chạy.
Bình luận