Kỳ 2: Lời đồn hóa hổ
Khi con người từ bỏ cõi trần gian về với tổ tiên, người Mông trên đỉnh Hồng Ngài gọi là "tùa" hay "ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.
Thủ tục cúng tế làm ma kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Dù xác chết đã có biểu hiện phân hủy nhưng các thủ tục hành lễ với người quá cố chưa xong các cung đoạn thì xác chết vẫn chưa được đem chôn. Tại nơi chôn cất người chết, người ta đào huyệt, xẻ thân cây thành ván ghép lại dưới huyệt, đặt xác người quá cố xuống đó và chôn cất.
Đối với những đứa trẻ chết dưới ba tháng tuổi thì gia đình không tổ chức lễ tang và khi đưa đi chôn cũng phải đưa qua vách nhà, không được đưa qua cửa nhà.
Mộc góc bản Hồng Ngài. Ảnh: Minh Hải |
Những người chết ngoài đường như tai nạn, tự tử, ngã suối... thì họ không tổ chức tang ma trong nhà mà dựng lán ngoài bãi. Người Mông ở Hồng Ngài cho rằng đó là do ma làm hại, nên sợ khi mang vào nhà sẽ kéo những người còn sống đi theo.
Đưa người chết đi chôn cất, họ cũng không chôn tập trung một chỗ như những dân tộc khác. Có thể họ sẽ chôn quanh nhà, trên một ngọn núi gần đó, hay bất cứ chỗ nào nếu được thầy cúng phán là địa điểm đẹp.
Khi chôn cất, họ luôn để người chết hướng bàn chân về phía mặt trời mọc, đầu về hướng mặt trời lặn. Họ quan niệm, làm như vậy là để con cháu của mình đời đời hưởng phúc về sau.
Và điều đặc biệt, người Mông xếp 9 lớp đá đè lên ngôi mộ của người đã khuất. Bởi họ sợ con ma sẽ hóa thành hổ dữ, bắt hết người thân, trâu bò, lợn gà của bản.
Ông Lếnh chỉ một nấm mồ của người Mông. Ảnh: Minh Hải |
Người Mông kiêng trồng cây trên mộ, nhưng nếu có cây dại mọc lên thì cũng không được nhổ đi, vì như thế sẽ đánh mất lộc cho những người còn sống.
Lên khu đồi ở gần nhà trưởng bản, quả thật nếu như Giàng A Lếnh không nói, thì chúng tôi cũng không thể nhận ra những ngôi mộ của người Mông.
Đó là những lùm cây nổi lên giữa quả đồi, xen lẫn những nương ngô đã qua thu hoạch, nằm rải rác, không hương hoa, không lễ vật cúng bái.
Nhìn kỹ, chúng tôi mới nhận ra những lớp đá xếp chồng lên nhau. Những viên đá đều tăm tắp, xếp thành một hình vuông, ẩn khuất dưới tán cây dại rậm rạp.
Ông Lếnh kể lại, khác với những vùng đất khác, người Mông trên đỉnh Hồng Ngài buộc xác treo lên thờ, đưa ra ngoài phơi nắng, phải xếp 9 lớp đá... Tất cả đều bắt nguồn từ một câu chuyện truyền đời từ hơn 100 năm về trước.
Lễ tang của người Mông. Ảnh chụp lại từ video |
Thời ấy, cũng tại mảnh đất Hồng Ngài này, thực dân Pháp tiến vào đàn áp, nhưng người Mông ở đây không chịu khuất phục, họ tổ chức chống trả quyết liệt dưới sự lãnh đạo của một người họ Phan.
Về sau, người Mông cùng các dân tộc khác rút dần lên các đỉnh núi cố thủ. Một gia đình nọ có con trai tên là Tráng A Sùng bị trúng đạn chết. Người nhà sau khi để xác phơi nắng được 5 ngày, đến sáng hôm sau chuẩn bị mang đi chôn cất, thì mọi người tá hỏa khi thấy xác chết đã biến mất.
Lúc đầu, người Mông cứ tưởng bị tay sai của thực dân Pháp trộm xác để khủng bố tinh thần. Các thanh niên được phái đi khắp nơi nghe ngóng tin tức nhưng cũng không phát hiện ra manh mối.
Đêm hôm ấy, cả nhà đang khóc thương, gọi tên người quá cố, thì bất thần một con hổ lớn xuất hiện ngay trước cửa. Lạ thay, con hổ chỉ nhìn mọi người gầm gừ chứ không tấn công. Sau con hổ đi mất. Tuy nhiên, buổi sáng ngủ dậy, mọi người thấy trong nhà gà lợn đã bị con hổ bắt sạch, không còn một mống.
Cảnh chuyển đá xếp mộ của người Mông. Ảnh: Dương Phạm |
Một thời gian sau, cứ hễ có ai nhắc đến cái tên anh thanh niên quá cố thì y như rằng con hổ lại xuất hiện, phá hết nương rẫy, bắt sạch lợn gà, trâu bò. Nó còn mò sang tận các gia đình bên các xã Phiêng Côn, Xím Vàng, Hang Chú mỗi khi được gọi tên, khiến ai cũng hoảng sợ.
Mùa màng thất bát, đói kém, cũng không một ai dám xuống dưới núi vì Pháp đóng đồn ở đó. Các cụ cao niên trong bản mới họp nhau lại, thống nhất bày ra một mâm lễ vật lớn trên đồi. Đồng thời, họ cử một cụ trưởng bản ngồi nói chuyện với con hổ, cầu xin nó đừng tàn phá làng bản nữa.
Trước khi đi, cụ trưởng bản cũng đã căn dặn con cháu, có bất cứ trường hợp gì xảy ra cũng không được gọi tên của ông. Bởi ông sợ mình sẽ chết, lại hóa thành hổ về bắt hết người thân của mình.
Một ngôi mộ xếp đá của người Mông. Ảnh: Dương Phạm |
Buổi tối, cụ trưởng bản cất tiếng gọi : “Sùng ơi!”. Đến lần thứ 3 thì con hổ xuất hiện ngay trước mặt, lặng lẽ ăn hết lễ vật trên mâm cúng.
Chờ cho con hổ ăn xong, trưởng bản mới bắt đầu hỏi chuyện: “Ô, thế vợ con, anh em của mày đâu hả Sùng?”.
“Vợ tao còn sống thì tao còn sống, anh em tao còn thì tao còn!” con hổ trả lời.
“Thế bố mẹ của mày đâu rồi? Sao mày không bắt thằng Pháp đi mà lại tàn phá của cải của mọi người, mày không thương dân làng mày đang đói khổ à?”, trưởng bản hỏi tiếp.
Con hổ ngần ngừ một lúc rồi mới nói: “Bố mẹ chết rồi thì tao phải về, không ai nuôi tao thì tao đói, bắt gà bắt trâu thôi!”.
Cụ trưởng bản mời con hổ hút thuốc, cầu xin nó buông tha cho dân. Con hổ im lặng bỏ đi mất. Cũng không ai thấy nó xuất hiện quấy rối bản làng nữa.
Từ đó về sau, người Mông trên đỉnh Hồng Ngài mỗi khi đi chôn cất người chết đều xếp đá trên mộ. Bởi họ sợ con ma hóa thành hổ và sẽ quay trở lại. Họ cho rằng mỗi người đều có 9 vía, cho nên phải xếp 9 lớp đá đè lên.
Sau một năm, con cháu lại tổ chức lễ cúng "ùa plì" để hồn người chết ra đi được thanh thản. 3 năm sau nếu có điều kiện, gia đình tiếp tục tổ chức lễ cúng "nhù đăng" (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng trong lễ tang của người Mông. Sau lễ cúng "nhù đăng", con cháu không tổ chức bất cứ lễ cúng nào khác.
Hải Minh
Bình luận