Mới đây, trên diễn đàn về học đường, nhiều người chú ý đến bức thư của học sinh với thông điệp khiến các phụ huynh suy ngẫm. Cách đây 2 năm, bức thư này từng được chia sẻ và gây rúng động cộng đồng mạng bởi câu nói "Cháu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe chữ Học".
Theo thông tin được đăng tải, đây là bức thư do một học sinh cấp 3, là học sinh giỏi từ lớp 1 tới lớp 9 tại TP.HCM. Bức thư là lời kêu gọi thống thiết tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo”, nói rằng em ghét việc học.
Mở đầu bức thư, học sinh này viết: "Kính thưa các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo! Cháu xin được trút hết nỗi lòng giấu giếm suốt bấy lâu nay và cháu, cũng như nhiều bạn học sinh khác, mong chờ sẽ nhận được những lời chia sẻ cũng như ý kiến của các bác lãnh đạo, các phụ huynh và các thầy cô.
Nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi. Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ Học".
Bức thư này tuy có nhiều chỗ diễn đạt lủng củng nhưng người đọc có thể thấy sự chân thật trong suy nghĩ, tâm trạng và cả nỗi lo sợ của em khi nghĩ đến việc học. Nữ sinh tâm sự rằng em ghét cái cảm giác bước qua cổng trường, mở sách giáo khoa, chép từng trang vở. Từng ngày đi học, học sinh không chỉ quay cuồng với việc học bài, kiểm tra mà còn phải chịu áp lực từ thầy cô, gia đình.
Cô bé này cho rằng chương trình học hiện tại không cho phép học sinh sáng tạo. Tất cả bị bó buộc vào những quy luật nhất định và học sinh phải làm theo chứ không được thay đổi.
Những mảng kiến thức như "Chuyển động tròn đều", "Chiều tăng giảm của hàm số"... khiến nhiều học sinh hoang mang, học rồi lại quên. Thầy cô chỉ miệt mài với bài giảng, giao bài tập về nhà nhưng chưa bao giờ nhắc đến bất kỳ ứng dụng nào của những kiến thức này trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, điều mà học sinh này hoảng sợ chính là lúc mọi người đánh giá các em chỉ thông qua những điểm vô giá trị. Tuy vô giá trị nhưng điểm số từng đẩy biết bao số phận học sinh vào đường cùng, khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái và giáo viên – học sinh trở nên căng thẳng, ngột ngạt.
Không chỉ lo sợ, học sinh thời nay thậm chí không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn. Tác giả kể câu chuyện ám ảnh: Em chứng kiến cảnh cô bạn thân bắt đầu việc học từ 5h30 cho tới 23h. Sau khi kết thúc quãng thời gian kinh hoàng ấy, khuôn mặt bạn phờ phạc, ánh mắt bơ phờ, sau đó là mất ngủ và bị những cơn đau dạ dày hành hạ.
Nhận thức được việc mình sẽ là "chuột bạch" khi mùa thi cử tới gần, bởi mỗi năm đề thi đại học lại đổi mới một kiểu, tác giả nhận ra mọi chuyện sẽ không thể tốt lên. Rồi sau tất cả, khi rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, tất cả các em sẽ lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kĩ năng sống cần thiết.
Cuối thư, cô nữ sinh đưa ra đề nghị, cũng là lời van xin: "Cháu cầu xin các bác, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo hãy cho chúng con được "Sống". Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn.
Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài. Cuối cùng, con xin mọi người hãy hiểu: Học sinh cũng chỉ là con người, không phải máy móc".
Dù là nội dung từng được đăng tải nhưng "bức tâm thư" của cô nữ sinh, một lần nữa nhận được hàng nghìn lượt tương tác trên khắp các diễn đàn mạng. Hầu hết mọi người bày tỏ sự đồng cảm, xót xa trước "tiếng kêu cứu" thảm thiết của cô bé này.
Tài khoản C.H. viết: "Khi những đứa con dám đứng lên nói thật lòng mình, những tâm sự, suy tư thật của cô bé đang tuổi chập chững trưởng thành. Mong là các bậc phụ huynh đọc và suy ngẫm để tỉnh táo trong việc dạy các con. Đừng vì những thứ ganh đua mà hủy hoại đam mê và niềm ham sống của con. Học ở trường cũng chỉ là một phần, không thể qua đó mà đánh giá toàn diện các con".
"Hồi chuông cảnh tỉnh cho những phụ huynh đang đồng hành cho các con trên chặng đường học và ôn thi. Học nhiều chưa chắc đã là điều tốt nhưng học sao cho phù hợp và có thời gian để con phát triển thêm nhiều thứ năng khiếu khác thì đó mới chính là điều tuyệt vời" là ý kiến của L.A.
"Có lẽ cô bé trong câu chuyện trên từng rất mệt mỏi, suy nghĩ, buồn phiền và thậm chí căng thẳng chạm ngưỡng tột độ khi nhà trường, gia đình đều là nơi khiến bạn ấy cảm thấy không có nguồn sống. Học âu là cái tốt, nhưng nhiều con trẻ sinh ra tầm nhận thức cũng ở mức trung bình, không thể bắt con phải giỏi, phải như "con nhà người ta".
Ôm mộng mãi những suy nghĩ như vậy vô tình gây ảnh hưởng đến tâm trạng con trẻ, nhất là chúng đang ở lứa tuổi dậy thì, nhạy cảm và có thể thiếu kiểm soát", T.V. bình luận.
Mời độc giả xem toàn bộ bức thư tại đây:
bucthu.doc
35.5k
Bình luận