• Zalo

Loạn thần thời đại dịch

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 10/11/2021 01:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dịch COVID-19 đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn đối với con người. Các chuyên gia cảnh báo, sang chấn tâm lý thời đại dịch sẽ là vấn đề phổ biến.

1. ‘Sợ ra khỏi hang’

Chưa có nghiên cứu trên diện rộng, nhưng thực tế đã ghi nhận những người có biểu hiện mà giới khoa học tâm lý gọi là “hội chứng sợ ra khỏi hang” hay “hội chứng hang động” (cave syndrome) ở Hà Nội và TP.HCM.

"Hai vợ chồng em thành F0 rồi!", đọc những dòng tin nhắn của cô em gái lấy chồng trong TP.HCM gửi ra, chân tay tôi bủn rủn, đầu óc trống rỗng. Vẫn biết, COVID-19 không chừa một ai nhưng tâm lý của tôi chưa đủ vững vàng để đón nhận”.

"Tôi sợ COVID-19. Hai năm qua nó đã cướp đi nhiều điều: mạng sống, sức khoẻ, thời gian, tiền bạc, niềm vui, kỷ niệm và cơ hội của chúng ta”, chị Nguyễn Thu Trang (*), sống tại một chung cư ở Hoàng Mai (Hà Nội) nói với phóng viên VTC News.

“Sau hơn 2 tuần Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, dù cơ quan chuyển từ chế độ làm việc online sang luân phiên có mặt, tôi vẫn cố gắng xin làm tại nhà với lý do con còn nhỏ, chưa có người trông nom. Nhưng đó chỉ là cái cớ, thật ra tôi vẫn chưa sẵn sàng để tái xuất sau thời gian dài giãn cách xã hội”, chị Trang kể.

Loạn thần thời đại dịch - 1

Đại dịch COVID-19 khiến mọi mặt đời sống bị đảo lộn

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè nói rằng chị đang phản ứng thái quá, bởi được ra đường, được đi làm là may mắn lắm rồi. Nhưng chị thì nghĩ khác, Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt những ngày gần đây liên tiếp xuất hiện ca F0.

“Tôi chưa sẵn sàng, tôi tưởng tượng virus SARS-CoV-2 đang bay lơ lửng trong không khí. Nó giống như những quả bóng bay được bơm đầy khí hydro. Chỉ cần những cú va chạm nhẹ thôi là quả bóng ấy sẽ nổ tung, ai không may mắn sẽ trở thành F0 lúc nào không biết”, chị Trang nói.

Mỗi lần bấm chờ thang máy, trong đầu chị lại hiện lên suy nghĩ: "Cầu trời thang máy trống rỗng, đừng có ai". Chị rất sợ khi phải đi chung thang máy với một ai đó.

 Trước đây, mỗi lần đi siêu thị, chị sẽ đưa các con theo để tạo không khí vui vẻ. Thế nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi lần trước khi đi siêu thị, chị sẽ ghi chú danh sách những đồ cần mua và mường tượng ra vị trí gian hàng bày bán chúng. 

Trang từ bỏ luôn thói quen đi dạo một vòng siêu thị xem những món đồ mới. Chị chỉ mua những thứ cần thiết thật nhanh, không la cà và không cầm nắm những đồ vật ở siêu thị để chọn lựa như trước. Chị chỉ ở siêu thị 30 phút để mua đồ, thực phẩm dùng trong một tuần.

Loạn thần thời đại dịch - 2

Minh họa về “hội chứng sợ ra khỏi hang” trên CNN

Cuối tuần vừa rồi, nhà bác ruột chị Trang có giỗ, tổ chức cho con cháu gặp mặt, cũng là dịp để gia đình hội ngộ sau thời gian dài. Nhưng gần 3 tháng nay chị đã quen với sự yên tĩnh, không tiếng cười nói to, không tiếng còi xe và đặc biệt không tụ tập đông người. Gặp lại gia đình là điều vui, nhưng phải bắt tay, phải ngồi nói chuyện trực tiếp mặt đối mặt, ăn cùng mâm khiến chị thấy ám ảnh. Nếu chẳng may có ai đó trong gia đình đang mang mầm bệnh thì...

“Hội chứng hang động”

Một nghiên cứu bỏ túi mới đây do nhóm nhà khoa học thuộc ĐH Santa Clara (Mỹ) thực hiện cho thấy, sau một thời gian dài khóa mình trong nhà vì đại dịch, nhiều người Mỹ cảm thấy khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Họ ngại việc phải mạo hiểm ở ngoài trời do lo sợ bị nhiếm bệnh.

Một số chuyên gia tâm thần học gọi tình trạng này là “hội chứng hang động” (sợ ra khỏi “hang ổ” hay chỗ ở) . “Đại dịch có vẻ đang lắng xuống. Nhưng một số người không thực sự muốn ra ngoài một lần nữa”, Thomas Plante, giáo sư tâm lý học người Mỹ nói.

Hai tháng giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thu Anh (*), 30 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội ngoài việc cơm nước cho các con còn phải họp hành, làm việc online, hoàn thành các công việc được giao.

Hằng ngày cứ 6h, chị nấu nướng cho hai con ăn sáng và gọi cậu con trai lớn ngồi vào bàn học online. Sau đó, vừa trông con út, chị vừa họp online trao đổi công việc với đồng nghiệp. Đồng lương vốn ít ỏi, nay dịch, chị chỉ được hưởng 80% lương. Chồng chị làm việc trong miền Nam, công việc cũng đình trệ. Chị muốn đưa hai con về quê “tránh dịch” nhưng không được. Mấy tháng chỉ loanh quanh ở nhà, quay cuồng công việc và con cái, từ một người nhanh nhẹn, hoạt ngôn và năng động, chị Anh bỗng thu mình lại. Chị ít nói chuyện với con, không thể tập trung làm bất kỳ việc gì, mất ngủ triền miên, dùng thuốc cũng không mấy cải thiện.

Loạn thần thời đại dịch - 3

 

Thời điểm đó, mỗi lần đọc tin tức và thấy hình ảnh thương tâm về người mắc COVID-19 qua đời, chị lại sợ hãi. Ngoài nỗi lo về cơm, áo, gạo tiền thì trong suy nghĩ chị lúc nào cũng lơ lửng câu hỏi: Liệu giờ mình ra ngoài có “dính COVID-19” không? Tự nhiên thấy cổ họng khô khô có phải bị rồi? Hàng xóm thì sao? Nhỡ có người trong khu mắc bệnh và bị phong toả thì chị và các con sẽ thế nào? Bao giờ thì hết dịch?... Những câu hỏi u ám cứ đeo bám khiến chị đau đầu dữ dội, mệt mỏi và dễ nổi cáu với tất cả. Một người bạn khuyên chị nên gặp bác sĩ tâm thần vì cho rằng chị đang có dấu hiệu trầm cảm.

Dáng vẻ tiều tuỵ, gầy gò, ngồi thu mình ở một góc bệnh viện chờ lượt tới khám là Vũ Văn Thêm (*), ở Thạch Thất, Hà Nội. Thêm là sinh viên năm cuối đại học. Cậu từng phải nhập viện điều trị vì nghiện game tới quên ăn, quên ngủ. Sau đó nhờ điều trị, Thêm trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục học tập, sinh hoạt như bao người khác.

 

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, một bộ phận người dân phát sinh tâm lý e ngại, không dám đến bệnh viện khám, chữa bệnh; vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội”.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, tại phiên họp thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/10

Thời kỳ Hà Nội áp dụng giãn cách, Thêm không thể tới trường. Hàng ngày, Thêm chỉ quanh quẩn trong phòng, không được ra ngoài, cũng không tập thể dục như trước đây. Là người vốn khép kín, không nhiều bạn bè, nay lại ở không gian bí bách, Thêm tìm mọi cách để giải trí. Và “ngựa quen đường cũ”, cậu tìm đến game.

Ban đầu, Thêm tự dặn lòng chỉ chơi 15-30 phút để đảm bảo sức khỏe. Nhưng rồi càng chơi càng bị cuốn, hết điện thoại lại sang máy tính, không thể dứt. Những lúc học online, Thêm cũng chỉ nhớ đến những “nhiệm vụ” cần hoàn thành trên không gian ảo. Tắt máy tính, có lúc cậu tự ý thức rằng phải đọc sách để quên đi “cơn thèm” game. Nhưng cứ mỗi lần như vậy thì hình ảnh đao, kiếm trong game lại hiện lên khiến cậu không thể chịu nổi, lập tức ngồi dậy, bật máy tính.

Thời gian cho game quá nhiều hơn cả thời gian ăn uống, ngủ nghỉ. Kết quả học tập của Thêm ngày càng sa sút, sức khoẻ thêm tiều tuỵ. Mới sinh viên năm cuối, nhưng trông cậu già hơn so với tuổi thật.

Theo BS Đỗ Văn Thắng (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), những trường hợp kể trên đều bị rối loạn liên quan đến stress do đại dịch COVID-19.

Theo BS Thắng, sau giãn cách, con người có thể lâm vào tình trạng mệt mỏi kéo dài, đau đầu, xuất hiện triệu chứng liên quan tới trầm cảm như chán ăn, mệt mỏi, mất năng lượng, giảm thích thú, suy giảm trí nhớ, giảm tập trung… Tuy nhiên có người nặng hơn như trầm cảm, lo âu, loạn thần, hoang tưởng, ảo giác…

Điều này cho thấy không chỉ bệnh nhân COVID-19, mà cả những người sống trong lo lắng cũng gặp phải triệu chứng tương tự.

Là người điều trị cho Thêm và giúp cậu quay lại cuộc sống bình thường trước đây, BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương không mấy vui vẻ khi gặp lại cậu trong hoàn cảnh tương tự. “Phải bỏ hẳn game. Chỉ cần quay lại một phút thôi là mất công bao nhiêu thời gian điều trị. Giờ lại phải bắt đầu lại từ đầu”, bà Thu nói.

Với những bệnh nhân như Thêm, ngoài tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thì ý thức của bệnh nhân, sự quan tâm của gia đình là rất quan trọng, bởi bệnh nhân điều trị ngoại trú, các bác sĩ không thể theo sát cả ngày để nhắc nhở.

2. Gặp vấn đề tâm thần thời đại dịch, làm sao để vượt qua?

Làm thế nào để những người mắc "hội chứng sợ ra khỏi hang” vượt qua thời khắc khó khăn?

Theo BS Trần Thị Hồng Thu, trong thời điểm dịch bệnh, ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần. Không được ra ngoài do giãn cách, làm online quá dài, ít vận động hơn so với bình thường… tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trong đó hai bệnh lý thường gặp nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm.

Lúc này, vấn đề quan trọng mà nhiều người cần chú ý là phân biệt lo lắng, căng thẳng bình thường với những lo lắng, căng thẳng bệnh lý. Theo đó, lo lắng thông thường chỉ xuất hiện nhất thời và biến mất sau đó, có thể là vài giờ, một đến hai ngày. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến 2 tuần, đi kèm là ảnh hưởng đến giấc ngủ, tính khí, làm bản thân luôn ức chế, không thể tiếp tục công việc thì đó là bệnh lý.

Để cân bằng trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng, lo âu nói chung và trong giai đoạn dịch bệnh nói riêng, mọi người cần tránh hai thái cực tâm trạng: Quá bận tâm hoặc quá lơ là với sức khỏe. Với công việc cũng vậy, tránh để bản thân quá bận rộn hay quá nhàn rỗi.

Ngoài hai vấn đề trên, khi gặp lo lắng, căng thẳng, hãy tập thở sâu, hít sâu (thở bụng), bởi việc tập trung vào hơi thở sẽ giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, cũng có thể thư giãn bằng cách xem bộ phim yêu thích, tập thiền, yoga…

“Trong cuộc sống, kể cả khi gặp sang chấn, mọi người cố gắng luôn giữ tinh thần lạc quan, nhìn vấn đề theo hướng tích cực. Tinh thần vững vàng đồng nghĩa sức khỏe tâm thần tốt.

Để giữ được tinh thần, thái độ lạc quan, chúng ta nên có thái độ nghiêm túc với bản thân, độ lượng với người khác, yêu công việc mình làm, yêu điểm tốt của người khác, tăng phút vui cười, giảm phút buồn bực, luôn lạc quan, yêu đời, yêu lao động, giúp đỡ mọi người”, BS Thu nói.

Loạn thần thời đại dịch - 4

5.png

“Trong cuộc sống, kể cả khi gặp sang chấn, điển hình như giai đoạn dịch bệnh này, mọi người cố gắng luôn giữ tinh thần lạc quan, nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Tinh thần vững vàng đồng nghĩa với việc có sức khỏe tâm thần tốt”.

BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Còn theo BS Đỗ Văn Thắng, xét về bệnh lý tâm thần nói chung, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Khi nhận thấy người thân thay đổi về tâm sinh lý như triệu chứng về tâm thần như mệt mỏi, đau đầu, trầm cảm, chán ăn, mất năng lượng, giảm thích thú, giảm trí nhớ, giảm tập trung, lo âu kéo dài, loạn thần, hoang tưởng, ảo giác…, người nhà nên đưa họ tới bác sĩ.

 “Người nhà không nên tự tìm hiểu trên mạng về những bệnh lý về tâm thần và cách xử lý bởi sẽ sinh ra xử lý sai về tình huống. Những biểu hiện rối loạn ban đầu nếu không được xử lý đúng, kịp thời sẽ có chiều hướng nặng lên, sau đó trở thành bệnh. Ví dụ ngay từ đầu phát hiện thấy người nhà có biểu hiện mất ngủ, lo lắng thì xử lý ngay bằng việc hướng họ những bài tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, tập thiền và đặc biệt không được tạo áp lực cho họ. Ngoài ra có thể giúp họ ngủ đúng giờ bằng việc tạo thói quen tốt như ngâm chân nước ấm, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi lên giường hay uống một cốc sữa nóng trước khi ngủ”, BS Thắng nói.

Loạn thần thời đại dịch - 5

BS Thắng thăm khám một bệnh nhân

3. Không đến trường, thể chất, tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nặng nề

Chuyên gia cảnh báo, nghỉ vì dịch quá lâu, không được đến trường giao lưu với bạn bè, kết nối môi trường xung quanh, thể chất, tinh thần trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Gần 5 tháng kể từ khi kết thúc sớm năm học 2020 - 2021, nhiều gia đình chưa cho trẻ con bước chân ra khỏi nhà vì dịch COVID-19 căng thẳng. Mùa hè đến, năm học mới 2021 - 2022 đến, mọi sự kiện đều diễn ra tẻ nhạt trong bốn bức tường, trẻ chỉ có thể làm bạn với điện thoại, tivi. Các chuyên gia cho rằng, những điều trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tâm lý của trẻ.

Trẻ cần ra ngoài vui chơi

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển.

"Cách đây 2 tuần, một người bạn của tôi phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa nhi thần kinh khám và tìm hướng điều trị cho cậu con trai 8 tuổi có biểu hiện rối loạn hành vi. Bố mẹ đi làm để con trai ở nhà với người giúp việc. Cậu bé thường xuyên la hét, dỗi hờn, thậm chí có hành vi bạo lực đánh đấm mạnh tay với người này mỗi khi không vừa lòng điều gì đó.

Thi thoảng, bé lại tự nhốt mình trong phòng gào khóc, không rõ lý do. Khi bố mẹ đưa ra ngoài thay đổi không khí thì lại sợ tiếp xúc với người lạ, ai hỏi cũng không nói, chỉ muốn về nhà. Các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu tâm lý nguy hiểm, một dạng của tâm thần thể nhẹ do bị 'nhốt' ở một không gian nhất định quá lâu, thiếu sự hoà nhập xã hội", bà Quỳnh nói.

Bà Quỳnh cho rằng, để con không bị trầm cảm, thu mình, lười giao tiếp, phụ huynh cần cố gắng giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái và lắng nghe, thấu hiểu con, giúp chúng vượt qua. Bố mẹ hãy thực sự dành cho các con những khoảng thời gian có chất lượng. Chất lượng ở đây là hãy đặt điện thoại xuống để nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, chơi các trò chơi cùng con, chứ không phải đơn thuần là trông con.

"Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực và trí tuệ của trẻ, nhất là độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi", vị chuyên gia cảnh báo.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, ở nhà quá lâu khiến trẻ bị rối loạn tâm lý, nặng hơn là tâm thần, mất kiểm soát cảm xúc do ít tiếp xúc với người khác và bạn bè đồng trang lứa, biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ. 

Đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, giai đoạn này các bé phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đồ vật qua trò chơi, quan sát. Trẻ học các bước vào “giai đoạn xã hội hóa”, bước khỏi gia đình để tiếp xúc với những trẻ khác, kết nối với thầy cô, người xung quanh. Tuy nhiên, bị hạn chế tương tác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa.

Loạn thần thời đại dịch - 6

Trẻ học online nhiều tháng liền trong hai năm học vừa qua (Ảnh minh hoạ)

(*) Tên nhân vật được thay đổi

Nhóm PV
Bình luận