Trứng rất bổ dưỡng, giúp tăng cơ, giảm cân hiệu quả. Các món trứng từ trứng vịt lộn, trứng cút, trứng muối, trứng bắc thảo... đều rất tốt nếu ăn một lượng vừa đủ (tuy nhiên mức độ thế nào là đủ lại không giống nhau ở tất cả mọi người). Các thành phần dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở lòng đỏ; lòng trắng chủ yếu là nước, khoảng 10% là đạm và chất khoáng.
Tùy theo cách chế biến, trứng có hương vị và giá trị dinh dưỡng không giống nhau.
Ai cũng biết trứng tốt cho sức khỏe nhưng lại không biết loại trứng nào nhiều chất dinh dưỡng nhất, bổ sung canxi tốt nhất, loại trứng nào thích hợp cho trẻ em hoặc người cao tuổi.
Trứng gà
Hàm lượng protein trong trứng gà là 13,3 gr/100 gr, cao nhất trong các loại trứng. Tỷ lệ hấp thụ và sử dụng protein cao tới 98%. Vì vậy, trứng gà rất tốt cho gan, não và nâng cao khả năng miễn dịch của chúng ta. Việc ăn một quả trứng mỗi ngày sẽ không làm tăng lipid máu, nhưng nếu ăn nhiều hơn trong một thời gian dài thì không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người thích trứng gà nuôi thả, cho rằng chúng thơm ngon hơn, bổ hơn trứng gà công nghiệp. Trên thực tế, giá trị dinh dưỡng hai loại trứng này gần như nhau. Do hàm lượng chất béo cao nên trứng gà nuôi thả sẽ có mùi vị thơm ngon hơn, khiến người nội trợ nghĩ rằng loại trứng này "xịn" hơn.
Trứng gà rất thích hợp cho người già, người ốm yếu và người mắc bệnh mạch vành. Tuy nhiên, vì trứng giàu protein nên nếu ăn quá nhiều sẽ khiến quá trình trao đổi chất gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải, gây táo bón.
Trứng kho
Trứng kho là món ăn ngon và rất dễ chế biến. Dù chế biến theo cách nào, ít nhiều hàm lượng dinh dưỡng trong trứng cũng sẽ mất đi và trứng kho cũng vậy. Ngoài lượng protein và lipid về cơ bản không thay đổi, các vitamin nhóm B giảm, hàm lượng natri sẽ tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, món trứng kho tuy ngon nhưng không nên ăn thường xuyên. Những người bị cao huyết áp, có bệnh tim mạch, mạch máu não và các bệnh về thận nên ăn ít.
Trứng trà
Trứng trà là món ăn phổ biến ở Trung Quốc, chế biến rất dễ. Đun sôi lá chè và trứng với nhau, hương vị và mùi thơm của lá chè sẽ ngấm vào trứng, làm nên món ăn độc đáo. Tuy nhiên, việc chế biến trứng trà cũng làm mất đi chất dinh dưỡng. Chất polyphenol trong trà sẽ phá hủy protein của trứng, các thành phần axit - bazơ trong trà cũng sẽ phản ứng với lòng đỏ trứng tạo ra chất sunfua sắt, gây khó tiêu và ảnh hưởng đến dạ dày. Vì vậy, người cao tuổi, người dạ dày không tốt chớ nên ăn thường xuyên.
Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn cũng giống như trứng gà, giàu chất đạm và chất béo. Trứng vịt lộn có hàm lượng canxi cao nhất trong các loại trứng, nếu ăn thường xuyên sẽ rất tốt cho sự phát triển của xương.
Tuy nhiên, trứng vịt lộn có lượng chất béo trung tính cao, nếu ăn nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Những người bị mỡ máu cao phải cẩn thận.
Trứng vịt muối
Trứng vịt muối vẫn giữ được lượng dinh dưỡng gần giống trứng vịt lộn. Các nguyên tố vi lượng như kali, photpho cao hơn, đặc biệt nguyên tố natri rất cao, đạt 2706 mg /100 gr (tăng gần 20 lần).
Lượng muối trong trứng vịt muối tương đối cao, vượt quá nhu cầu hàng ngày của cơ thể con người. Khi thưởng thức món ăn này, bạn nên chú ý và không nên ăn quá nhiều. Người cao huyết áp, phụ nữ có thai, người già và người bị bệnh thận càng nên hạn chế.
Trứng bắc thảo
Trứng bắc thảo có hương vị rất độc đáo, đủ cả vị đắng, ngọt, mặn. Nó có tác dụng nhuận hầu, giải nhiệt, giải rượu, làm thuyên giảm các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, cầm máu và làm sạch ruột. Tuy nhiên, đây chỉ nên là loại trứng “ăn chơi”. Theo khuyến cáo khoa học thì trứng bắc thảo có chứa lượng chì nhất định, ăn nhiều sẽ không tốt. Hơn nữa, hàm lượng natri trong trứng bắc thảo rất cao, trong khi lượng vitamin A và vitamin B bị mất đi rất nhiều.
Những người bị cao huyết áp, người bị bệnh thận, phụ nữ có thai và người già không nên ăn nhiều trứng bắc thảo.
Trứng cút
Loại trứng này tuy nhỏ nhưng giàu vitamin B2 gấp đôi so với trứng gà. Trứng cút giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Không chỉ vậy, lượng lecithin trong trứng cút cũng cao hơn trứng gà, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí não và thích hợp cho trẻ ăn dặm hơn.
Trứng ngỗng
Trứng ngỗng là loại trứng gia cầm lớn nhất, hàm lượng sắt cao nhất, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Loại trứng này cũng rất giàu lecithin, chất tốt cho sức khỏe não bộ.
Vì có hàm lượng cholesterol cao nhất trong các loại trứng nên người bệnh mỡ máu cao nên ăn ít trứng ngỗng.
Bình luận