(VTC News) - Khi nghe tiếng loa và nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, viên sỹ quan chỉ huy quân ngụy phòng thủ đảo đã hạ lệnh cho binh lính đầu hàng.
Kỳ 2 (Kỳ cuối): Chúng tôi chỉ đầu hàng người Việt Nam
Tới nay, sau 40 năm chỉ huy lực lượng giải phóng đảo, Thiếu tướng Mai Năng vẫn khẳng định rằng: “Chúng ta giải phóng đảo Song Tử Tây nhanh như vậy nên các đảo khác đơn giản hơn. Địch đầu hàng nhanh chóng một phần do hỏa lực mạnh của ta, nhưng còn một lý do khác...” .
Ổng kể, sau thời khắc cắm cờ giải phóng và toàn bộ quân địch đồn trú trên đảo ra trình diện, viên sĩ quan chỉ huy ngụy đã đến xin gặp ông và bảo rằng: “Chúng tôi đã nhận được lệnh tử thủ đến người cuối cùng và nếu như quân nước ngoài đến đánh chiếm đảo thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm vậy. Khi nghe tiếng loa và nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, biết chắc chắn là quân Bắc Việt, tôi đã hạ lệnh cho anh em đầu hàng. Tôi khẳng định lại với ông một lần nữa, chúng tôi chỉ đầu hàng người Việt Nam, và mong rằng người Việt Nam đừng phải đổ máu thêm nữa…”.
Video cấp cứu ngư dân ở Trường Sa
Trước những lời nói chân tình của viên sĩ quan ngụy, Thiếu tướng Mai Năng cùng các chiến sĩ hết sức xúc động. “Mới giải phóng được hòn đảo đầu tiên, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng những câu nói đó đã làm cho tôi cũng như những chiến sĩ khác thấy bình yên trở lại”, ông Năng tâm sự.
Về sau, ông Năng mới biết được viên sĩ quan chỉ huy bảo vệ Song Tử Tây có họ hàng với một đồng chí lãnh đạo của Quân chủng Hải Quân thời đó. Thật trớ trêu khi hai chú cháu ở hai đầu chiến tuyến. Điều mà ông tâm đắc nhất sau trận đánh đầu tiên giải phóng quần đảo Trường Sa, chính là việc những người lính ngụy trên Song Tử Tây dù đã là tù binh, họ vẫn luôn thể hiện tinh thần dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Họ chỉ buông súng khi biết rằng lực lượng đánh đảo là người Việt Nam. Bản thân họ cũng đã quá chán ngán chiến tranh, ghét cảnh nồi da nấu thịt giữa những con người Việt Nam với nhau.
Thiếu tướng Mai Năng: "Họ buông súng khi biết lực lượng giải phóng đảo là người Việt Nam" |
Song Tử Tây mất, chính quyền Sài Gòn cho 2 tàu chiến cùng với trực thăng từ Vũng Tàu ra biển Đông hòng chiếm lại đảo. Nhưng do chúng đang hoang mang vì liên tiếp gặp thất bại trên chiến trường miền Nam, mặt khác lại không nắm được tình hình bố trí của phòng thủ của ta trên đảo, cho nên chúng chỉ lảng vảng một thời gian ngắn rồi kéo nhau về đảo Nam Yết cố thủ.
Liên tiếp các đảo khác như Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa… nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sỹ quan, binh lính ngụy chen nhau ra tàu chạy về đất liền. Không có tàu thì tìm xuồng, cano, hay bất kể thứ gì miễn có thể trốn chạy càng nhanh càng tốt.
Ngày 21-4-1975 trên đất liền, phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, cánh cửa phía Đông của Sài Gòn mở toang; tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức, quân ngụy hoang mang cực độ... Nhận thấy thời cơ lớn đã đến, Thiếu tướng Mai Năng chỉ huy lực lượng tiếp tục đánh chiếm giải phóng các đảo còn lại trong quần đảo Trường Sa do địch đang chiếm giữ. Tin thắng trận liên tục báo về.
Rạng sáng 25-4, các mũi tàu của quân ta bám sát đảo Sơn Ca, đổ bộ lên đảo. Đối phương mất thế, chống trả yếu ớt, chưa đầy 30 phút, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ Sơn Ca, kéo cờ chủ quyền. Tin đảo Sơn Ca hoàn toàn giải phóng nhanh chóng khiến đối phương các đảo còn lại vội vàng rút chạy khỏi các đảo còn lại. Sáng 27/4, ta làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết, 28-4 là đảo Sinh Tồn và một số hòn đảo khác...
9 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Đoàn 126 đặc công đã hoàn thành việc đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa lớn, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
9 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Đoàn 126 đặc công đã hoàn thành việc đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa lớn, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Đảo Trường Sa lớn. Ảnh tư liệu |
Thiếu tướng Mai Năng kể lại, sau khi Trường Sa được giải phóng, chỉ một thời gian ngắn sau ông cùng các chiến sĩ đã thấy xuất hiện những con tàu lạ lởn vởn. Đó là những con tàu quân sự nhưng không có số, không có ký hiệu. Nhìn thấy lá cờ giải phóng bay phấp phới trên đảo, chúng đã bỏ đi.
Ông Năng cùng các chiến sĩ giải phóng đảo càng thấm thía chủ trương của cấp trên giao phó, đó là phải bí mật, nhanh chóng giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đang do quân Sài Gòn đóng giữ, kiên quyết không để lực lượng nào khác lợi dụng tình hình lúc đó chiếm đóng.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân thị sát tình hình Trường Sa khi quần đảo này mới được giải phóng. Ảnh tư liệu |
“Có thể nói, quyết định giải phóng Trường Sa đã thể hiện sự thông minh, sáng tạo và quyết đoán của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giải phóng quần đảo này, chúng ta đã giải phóng một vùng lãnh hải lớn hơn rất nhiều lần so với đất liền. Vùng lãnh hải này giàu có, phong phú về hải sản, phong phú về tài nguyên, tạo được một tuyến phòng thủ đất nước từ xa, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong thời điểm đó, chúng ta không có những trang thiết bị hiện đại. Thứ duy nhất ta có là ý chí và niềm tin, nó đã giúp chúng ta thắng lợi trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngày nay, trang bị của lực lượng đặc công Hải quân rất hiện đại, đã có sự hỗ trợ của tàu ngầm, nhưng quyết định cho chiến thắng vẫn là yếu tố con người”, vị chỉ huy trận chiến giải phóng Trường Sa năm nào cho biết.
Đất nước thống nhất, ông Năng tiếp tục tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam rồi Chiến dịch biên giới phía Bắc. Năm 1998, ông về hưu với quân hàm Thiếu tướng.
Trải qua nhiều trận đánh một mất một còn, cùng những người lính của mình cận kề cái chết nhưng vị tướng anh hùng vẫn cho rằng trận chiến giải phóng Trường Sa là đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của ông.
40 năm đã trôi qua, ký ức hào hùng về 15 ngày đêm chiến đấu giải phóng Trường Sa vẫn luôn nguyên vẹn trong tâm trí Thiếu tướng Mai Năng, cũng như những người lính hải quân tham gia chiến dịch năm ấy. Đó là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ những chiến sĩ hải quân nói chung, của lực lượng vận tải chiến lược và lực lượng chiến đấu đặc công hải quân nói riêng.
Chiến công có ý nghĩa lịch sử của những kình ngư trên biển năm xưa được lưu dấu qua biết bao trang sử và hàng trăm hiện vật được trưng bày trong các bảo tàng của Quân chủng và đơn vị.
Hải Minh – Minh Khang
Bình luận