• Zalo

Lần đầu tiên lính dù Nga được biên chế hỏa thần TOS-1A

Quân sựThứ Bảy, 08/04/2023 18:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc biên chế súng phun lửa hạng nặng TOS-1A cho lực lượng dù thể hiện quyết tâm của Nga trong việc giành chiến thắng tại Bakhmut.

Ngày 3/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng đổ bộ đường không của họ lần đầu tiên tiếp nhận hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A Solntsepek. Hệ thống súng phun lửa sẽ được sử dụng trên chiến trường Ukraine, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, “tại khu vực Saratov, lần đầu tiên quân đội Nga chuyển giao hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A Solntsepek cho một đơn vị thuộc lực lượng đổ bộ đường không”.

Các báo cáo đầu tiên về hệ thống súng phun lửa được sử dụng bởi lực lượng đổ bộ đường không đã xuất hiện trên mạng xã hội. Vào ngày 2/4, một video đã lan truyền trên Twitter cho thấy quân đội Nga tấn công các vị trí của Ukraine bằng hệ thống này. Theo một số báo cáo, khi quả đạn chạm đất, nhiệt độ có thể tăng lên 3.000 độ C. 

Mô tả hệ thống này đáng gờm thế nào, đại tá Aleksey Goncharov, người đứng đầu lực lượng dù của Nga cho rằng, kho vũ khí của phương Tây không có gì sánh bằng TOS-1A. “Nó gây hoảng loạn cho kẻ thù. Tôi chắc chắn rằng việc sử dụng thành thạo loại vũ khí này sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với chiến thắng”, ông nói thêm.

Báo cáo của RIA Novosti nhấn mạnh TOS-1A đã đạt được nhiều thành công trong cuộc xung đột đang diễn ra, bằng cách phá hủy các vị trí cố thủ của quân đội Ukraine. Không ai có thể tránh được tác động của loại vũ khí này, ngay cả trong chiến hào.

Lần đầu tiên lính dù Nga được biên chế hỏa thần TOS-1A - 1

TOS-1A Solntsepyok.

Đầu tháng 3/2023, có thông tin cho rằng hải quân đánh bộ Nga đang tiến về Ukraine cùng với hệ thống súng phun lửa TOS-1A Solntsepek. Những hệ thống này đã được sử dụng để bắn phá các vị trí của Ukraine kể từ khi bắt đầu các cuộc tấn công của Nga.

TOS-1A sử dụng đạn nhiệt áp 220 mm, nó tạo ra vụ nổ cực lớn khi đạn chạm mục tiêu. Các báo cáo kèm theo một đoạn video cho thấy TOS-1A đã tạo ra các vòm sóng xung kích khi nổ trong các khu rừng ở Kremennaya.

Về phần mình, quân đội Ukraine cũng tuyên bố đã phá hủy các hệ thống súng phun lửa này kể từ những tháng đầu của cuộc xung đột. Tuy nhiên, số lượng chính xác của TOS-1A bị phá hủy vẫn chưa được biết.

Hệ thống súng phun lửa TOS-1A Solntsepek

TOS-1A Solntsepek là phiên bản mới nhất của hệ thống súng phun lửa TOS-1 và thực chất là hệ thống súng phóng tên lửa đa nòng (MBRL) do Cục thiết kế Omsk Transmash sáng tạo và phát triển. 

Năm 2001, quân đội Nga lần đầu tiên chính thức đưa TOS-1A vào trang bị. Tháng 12/2017, lực lượng phòng vệ bức xạ, hóa học và sinh học (RChBP) của Nga đã ký hợp đồng mua 20 bệ phóng rocket TOS-1A Solntsepek. TOS-1A Solntsepek hỗ trợ hỏa lực trực tiếp để bổ sung cho xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh trên chiến trường.

Lần đầu tiên lính dù Nga được biên chế hỏa thần TOS-1A - 2

TOS-1A tham chiến tại Ukraine.

Khung gầm của hệ thống TOS-1A MBRL dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Bệ phóng tên lửa được bố trí ở vị trí của tháp pháo trong khi vẫn giữ nguyên thiết kế tổng thể. Thân xe được gia cố bằng thép cường lực. Trọng lượng của phương tiện là 46.500 kg.

Hệ thống này có không gian cho kíp lái gồm ba người, với người lái ngồi ở trung tâm, chỉ huy và xạ thủ ngồi trong hai tháp pháo nhỏ ở phía sau.

So với các hệ thống tương tự khác, TOS-1A Solntsepek có tầm bắn ngắn hơn. Tuy nhiên, nhờ áp suất nhiệt áp và khả năng phóng nhiều lần, nó mang lại cho người vận hành sự linh hoạt cao. TOS-1A có thể chở được 24 tên lửa và xe nạp đạn TZM-T hỗ trợ chở được 48 quả.

Mỗi tên lửa có một động cơ đẩy nhiên liệu rắn, chất nổ nhiệt áp và ngòi nổ. Nó có thể bắn nhiều tên lửa trong vòng chưa đầy một giây, với tầm bắn từ 400 đến 6.000 mét. Hệ thống này cũng rất cơ động. Xe có tốc độ tối đa 60 km/h và quãng đường di chuyển lên tới 550 km.

Hơn nữa, TOS-1A cung cấp khả năng phòng thủ chống lại đạn pháo mảnh và hỏa lực vũ khí nhỏ. Các ống phóng lựu khói của Type 902G được gắn ở hai bên thân xe. Phương tiện phóng cũng có thể khiến đối thủ không thể phát hiện được nhờ hệ thống tạo khói động cơ.

Việc triển khai những cỗ máy uy lực này thể hiện quyết tâm của Nga trong trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut, tuy nhiên kết cục trên chiến trường còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Lê Hưng(Nguồn: Eurasian Times)
Bình luận
vtcnews.vn