Theo Tạp chí Nezavisimaya Gazeta của Nga, các vũ khí hiện đại và thiết bị nhìn đêm do quân đội Mỹ rút lui để lại ở Afghanistan vào năm 2021, được các chiến binh của nhóm khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) sử dụng để tiến hành các hoạt động lật đổ chống lại lực lượng chính phủ Pakistan, các chuyên gia khu vực cho biết.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, đồng tiền quốc gia mất giá và thiếu ổn định chính trị nội bộ làm suy yếu vị thế của Islamabad trong cuộc chiến chống lại TPP, tổ chức này đang tiến hành một cuộc chiến công khai chống lại chính phủ Pakistan.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Pakistan, nhóm này chịu trách nhiệm về 89 vụ tấn công ở Pakistan vào năm 2022, chủ yếu ở Khyber Pakhtunkhwa (Tây Bắc Pakistan). Kết quả này vượt qua con số của năm 2021 (87 vụ tấn công), ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 tháng với Islamabad đã bị các chiến binh đơn phương hủy bỏ vào cuối năm ngoái.
Cảnh sát Khyber Pakhtunkhwa xác định, các chiến binh TTP đã sử dụng vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại của lực lượng an ninh Mỹ và Afghanistan để tổ chức phục kích hàng đêm.
Sau một trong những cuộc tấn công ở vùng ngoại ô Peshawar vào ngày 14/1 vừa qua, Moazzam Jah Ansari khi đó là cảnh sát trưởng tỉnh, cho biết TTP đã tiến hành một cuộc tấn công phối hợp bằng cách sử dụng kính ngắm tầm nhiệt. Ba sĩ quan cảnh sát đã chết dưới tay các chiến binh tấn công.
Ansari cho biết các chiến binh TTP cũng sử dụng thiết bị tương tự trong các cuộc phục kích ở Dera Ismail Khan, Bannu và Lakki Marwat, một số khu vực khó khăn nhất trong tỉnh. Thống kê do cảnh sát địa phương trích dẫn cho thấy chỉ riêng trong năm 2022, 118 sĩ quan đã thiệt mạng do các cuộc tấn công khủng bố ở Khyber Pakhtunkhwa.
Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm ngoái, các thiết bị quân sự trị giá 7,12 tỷ USD do Washington viện trợ cho chính phủ Afghanistan cũ đã lọt vào tay phiến quân Taliban vào tháng 8/2021.
Sau các cuộc tấn công vào 2 trại quân sự của Pakistan ở tỉnh Balochistan tháng 2/2022, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed cho biết quân ly khai Balochistan (BLA) đang sử dụng vũ khí do lực lượng liên minh quốc tế bỏ lại ở Afghanistan.
Tuy nhiên, chính phủ Taliban lại phủ nhận mạnh mẽ rằng TTP và các nhóm cực đoan khác trong khu vực đã tiếp cận với các thiết bị thu được của Mỹ.
Theo các chuyên gia, ước tính có tới 42.000 thiết bị, chẳng hạn như kính nhìn ban đêm, sinh trắc học và hệ thống định vị đã bị bỏ lại ở Afghanistan.
Trong tài liệu tuyên truyền gần đây, TTP đã cho thấy các chiến binh đang huấn luyện với các vũ khí do Mỹ sản xuất như súng bắn tỉa M24, súng carbine M4 với ống ngắm Trijicon ACOG và súng trường M16A4 với ống ngắm nhiệt. Có khả năng Taliban Afghanistan chuyển giao một số trang thiết bị, quân dụng cho TTP để đổi lấy nhân lực nhằm củng cố vị thế sau khi nắm quyền vào năm 2021.
Tình hình hiện tại đặt các cơ quan thực thi pháp luật ở Pakistan vào thế bất lợi. Bằng cách sử dụng kính nhìn ban đêm, các chiến binh TTP có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào các sĩ quan cảnh sát trong bóng tối, trong khi cảnh sát không thể nhìn thấy họ đang đến gần.
Vào cuối tháng 1/2023, chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã cung cấp cho cảnh sát hàng chục kính nhìn ban đêm để giúp các sĩ quan cảnh sát chống lại các cuộc tấn công của phiến quân vào ban đêm.
Nhưng nguồn lực của các lực lượng chính phủ có hạn, một phần là do sau khi tuyên bố trấn áp thành công TTP và các nhóm cực đoan khác vào năm 2017, nhà nước Pakistan đã cắt giảm kinh phí cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Kể từ năm 2002, các chiến binh cực đoan ở Pakistan đã sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, từ các thiết bị nổ được điều khiển từ xa, súng bắn tỉa và thắt lưng tự sát cho đến AK và tên lửa. Những vũ khí hiện đại hơn làm tăng khả năng tiến hành các hoạt động của TTP trong bất kỳ điều kiện nào và mang lại cho nhóm lợi thế rõ rệt so với các cơ quan thực thi pháp luật được trang bị kém.
Nhiều chuyên gia đưa ra sự tương đồng giữa việc Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989 và việc rút các lực lượng liên minh quốc tế khỏi nước này vào năm 2021. Trong cả hai trường hợp, số vũ khí còn lại nhanh chóng rơi vào tay các nhóm cực đoan ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Pakistan.
Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore ước tính rằng các chiến binh TTP và các nhóm Hồi giáo ly khai Baloch ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã tiếp xúc với vũ khí và thiết bị quân sự, chẳng hạn như súng bắn tỉa tầm xa và thiết bị nhìn đêm mà Mỹ đã cung cấp cho lực lượng chính phủ Afghanistan.
Vào tháng 1/2023, các nhà chức trách ở Kashmir nói với hãng tin NBC News rằng các chiến binh Hồi giáo địa phương được trang bị M4, M16 và các loại vũ khí khác do Mỹ sản xuất chưa từng thấy trước đây ở bang này.
Hầu hết các vũ khí này đã bị thu giữ từ các thành viên của các nhóm Jaish-e-Mohammad và Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan. Vào tháng 7/2022, cảnh sát Kashmir báo cáo họ thu giữ một khẩu carbine tấn công M4 do Mỹ sản xuất sau một cuộc đụng độ với hai chiến binh Jaish-e-Mohammad.
Có nhiều bằng chứng cho thấy lãnh đạo của cả hai nhóm đang gửi chiến binh đến Afghanistan để huấn luyện. Viện Quản lý xung đột Ấn Độ ước tính Jaish-e-Mohammad và Lashkar-e-Taiba có thể đang mua vũ khí của Mỹ từ Taliban ở Afghanistan, từ đó chúng được buôn lậu đến Pakistan.
Mặc dù vũ khí do Mỹ sản xuất không có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc xung đột Kashmir, nhưng chúng mang lại cho Taliban một biên độ đáng kể về sức mạnh chiến đấu và khiến cho lực lượng an ninh ở các quốc gia này gặp nhiều khó khăn hơn.
Bình luận