Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther của Ba Lan mới được chuyển giao từ Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa lực lượng mặt đất của nước này cũng như mở rộng khả năng của NATO ở sườn phía đông.
Quân đội Ba Lan đã lên kế hoạch đưa vào biên chế gần 1.000 xe tăng K2 nhằm thay thế các xe tăng T-72, PT-91 cũ từ thời Liên Xô và những chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức kém hiện đại hơn đang có trong biên chế.
Ba Lan đã chuyển giao cả ba loại xe tăng cũ trong biên chế cho Ukraine với số lượng đáng kể, đồng thời hàng nghìn nhân viên Ba Lan cũng tích cực hoạt động để hỗ trợ Ukraine trong việc tiếp nhận những chiếc xe tăng này. Ba Lan đang là quốc gia có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó Nga.
Ban Lan ký hợp đồng mua xe tăng K2 với Hàn Quốc tháng 7/2022. Tốc độ giao xe rất ấn tượng. Trong khi trước đó, Ba Lan mất gần một thập kỉ để chờ đợi và liên tục yêu cầu Mỹ và Đức hoàn thành các đơn đặt hàng xe tăng.
K2 cũng hiện đại hơn đáng kể so với các thiết kế xe tăng của phương Tây và ở hầu hết các khía cạnh đều được đánh giá cao hơn. Điều này giúp K2 trở thành xe tăng có năng lực cao nhất trong khối NATO và được các chuyên gia phương Tây đánh giá là mối đe dọa lớn với xe tăng Nga, đặc biệt là vì số lượng lớn K2 mà Ba Lan đặt hàng.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Blaszczak tuyên bố ngày 22/7 rằng, việc mua xe tăng K2 sẽ tăng cường đáng kể an ninh của Ba Lan và sức mạnh của quân đội nước này.
Ông Blaszczak cũng nói, “trong số các nước châu Âu và NATO, Ba Lan sẽ có lực lượng trên bộ mạnh nhất”.
Sau khi mua 180 xe tăng K2 ban đầu, 820 xe tăng K2PL cải tiến dự kiến sẽ được giao từ năm 2026 theo các hợp đồng tiếp theo.
Những ưu điểm chính của K2 so với xe tăng hàng đầu của phương Tây là M1A2 Abrams bao gồm việc sử dụng bộ nạp tự động, giúp giảm 25% thao tác của kíp lái xe, cũng như tốc độ bắn nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều, nhu cầu bảo trì thấp hơn và khả năng hoạt động như một hệ thống pháo tự hành với chế độ bắn gián tiếp.
K2 cũng tích hợp một radar khiến xe tăng trở nên khác biệt với các phương tiện khác, đồng thời được trang bị máy đo khoảng cách bằng laser và cảm biến gió ngược cung cấp khả năng khóa mục tiêu.
Máy ảnh tầm nhiệt của K2 có chế độ “khóa” cho phép pháo thủ theo dõi các mục tiêu ở phạm vi lên tới 9,8 km. Trong khi đó, hệ thống radar băng tần milimet của K2 có thể hoạt động như một hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận, giúp phát hiện kịp và né tránh vũ khí chống tăng của đối phương. Khả năng định vị và khai hỏa của máy tính trên xe cũng rất nhanh. Xe còn được trang bị lựu đạn khói ngụy trang.
Loại xe tăng này dự kiến sẽ mang lại lợi thế đáng kể về hiệu suất so với xe tăng T-90M đang hoạt động ở tiền tuyến của quân đội Nga. Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường cũng như hiệu quả chiến đấu thực sự của K2 vẫn còn là một ẩn số, bởi chiếc xe tăng này chưa thực chiến lần nào.
Bình luận