Chiến sự Ukraine đã diễn ra hơn 3 tuần. Ngoài khủng hoảng nhân đạo, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể cảm thấy tác động của cuộc xung đột này: tăng trưởng chậm hơn và lạm phát nhanh hơn.
Lạm phát thời chiến
Theo WSJ, trước những năm 1930, khi tiền tệ thường có thể chuyển đổi thành vàng, duy trì nguồn cung tiền và do đó lạm phát nằm trong tầm kiểm soát. Trong chiến tranh, khả năng chuyển đổi này thường xuyên bị tạm dừng và đôi khi bị loại bỏ hoàn toàn. Siêu lạm phát (khi giá cả tăng ít nhất 50% trong một tháng) trong thế kỷ trước thường xảy ra trong hoặc sau chiến tranh.
Mỹ là nước từng có kinh nghiệm về lạm phát thời chiến. Trong Thế chiến I, dòng chảy vàng từ châu Âu đã giúp thúc đẩy nguồn cung tiền ở Mỹ, và Cục dự trữ liên bang FED đã giữ lãi suất ở mức thấp để có tiền cho cho các hoạt động quân sự.
Kết quả, giá cả tăng vọt và sau chiến tranh, FED phải triển khai một mô hình đối phó với suy thoái nghiêm trọng để ổn định lại. Đến Thế chiến II, Mỹ gần như từ bỏ chế độ bản vị vàng (gold standard) – hệ thống tiền tệ sử dụng giá vàng cố định làm cơ sở xác định giá tiền tệ. Để kìm chế lạm phát và hỗ trợ huy động quân sự, chính phủ liên bang Mỹ thực hiện kiểm soát giá và FED đặt ra mức lãi suất trần. Không lâu sau khi các chương trình kiểm soát được dỡ bỏ năm 1946, giá tăng vọt lên.
Sau Chiến tranh Lạnh, các cuộc chiến nhìn chung có thể diễn ra với quy mô nhỏ hơn và địa phương hóa hơn, vì vậy ít gây thiệt hại kinh tế hơn.
Tuy nhiên, hiện toàn cầu hóa dường như đang đảo ngược mức độ thiệt hại cục bộ do chiến tranh. Và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể gây tác động lớn ngoài sức tưởng tượng. Một số tác động đã diễn ra với Nga. Đồng rúp giảm giá một nửa và nhập khẩu gián đoạn do các lệnh trừng phạt, lạm phát của Nga có thể lên đến mức 20-25%, theo Sergey Aleksashenko, một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga.
Chi tiêu quân sự cao hơn cũng có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát. Năm 2020, Nga đã chi 4,3% GDP cho quốc phòng, một trong những mức chi cao nhất thế giới, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chưa tính đến các phần chi không công bố.
Đức có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự từ 1,5% GDP năm 2021 lên 2%. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh chiến tranh đã tác động đến chính sách tài khóa của Đức.
Tác động toàn cầu
Theo các chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các tác động của xung đột Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu sẽ đi qua ba kênh chính.
Thứ nhất, giá các mặt hàng như lương thực và năng lượng cao hơn sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn, làm giảm giá trị thu nhập và tạo gánh nặng nhu cầu.
Thứ hai, các nền kinh tế sẽ phải đối mặt với gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối cũng như sự gia tăng dòng người tị nạn.
Và thứ ba, niềm tin kinh doanh giảm và sự không chắc chắn của nhà đầu tư sẽ đè nặng lên giá tài sản, thắt chặt các điều kiện tài chính.
Nga và Ukraine là những nhà sản xuất hàng hóa lớn. Sự gián đoạn nguồn cung từ hai đầu này đã khiến giá toàn cầu tăng cao, đặc biệt là đối với dầu và khí đốt tự nhiên. Chi phí lương thực cũng tăng vọt, với lúa mì, mặt hàng mà Ukraine và Nga chiếm 30% xuất khẩu toàn cầu, đạt mức kỷ lục.
Ngoài ra, các quốc gia có hoạt động thương mại, du lịch và tài chính chủ chốt sẽ cảm thấy thêm áp lực. Các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sẽ thâm hụt tài chính và thương mại nhiều hơn, đứng trước áp lực lạm phát nhiều hơn.
Sự cân bằng mong manh
Hậu quả xung đột Nga-Ukraine đã gây rúng động không chỉ các quốc gia này mà còn cả khu vực và thế giới, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của mạng lưới an toàn toàn cầu và các thỏa thuận khu vực nhằm hỗ trợ các nền kinh tế.
Trong khi một số tác động có thể chưa hiện rõ, đã có những dấu hiệu cho thấy giao tranh dẫn đến tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu, và sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách một số nơi khó đạt được sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới dễ chịu những cú sốc hơn”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva gần đây nói. “Và chúng ta cần sức mạnh của cả tập thể để đối phó với những cú sốc sắp xảy đến”, bà cho biết.
Bình luận