Sau khi thừa nhận sai sót, ba nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM công bố tài liệu điều chỉnh sách giáo khoa Tiếng Việt 1 để xin ý kiến rộng rãi.
Chỉnh sửa 5 bộ sách
Tài liệu điều chỉnh nội dung sách Tiếng Việt 1 được đăng tải trên trang điện tử của bộ sách Cánh diều. Nội dung gồm 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị đánh giá là không phù hợp để thầy cô có thể sử dụng thay thế cùng nhiều điều chỉnh liên quan tới từ ngữ trong các bài học.
Ví dụ như bài tập đọc "Cua, cò và đàn cá" (1) và (2) được Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu, nhóm biên soạn sách đã thêm hai bài đọc khác để bổ sung là "Kết bạn" và "Hồ sen"; bài "Quạ và chó" được bổ sung thêm bài "Phố Thợ Nhuộm". Với những ngữ liệu bổ sung này, giáo viên có thể thay thế để giảng dạy cho phù hợp.
Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ ngữ được loại bỏ: "thở hí hóp", "bê be be". Một số từ được thay thế như trong câu "Có kẻ đã cuỗm gà nhép", từ "cuỗm" được thay bằng từ "tha".
Đánh về những chỉnh sửa trên, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cho biết: “Tôi đã đọc tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều và thấy rằng tài liệu chỉnh sửa này quá kém và không đạt yêu cầu hay nói một cách khác là không thể dùng nó để thay thế tài liệu cũ hoặc dùng để bổ sung. Bởi chính tài liệu này lại mắc những sai lầm nghiêm trọng mà không thể nào thông cảm về mặt chuyên môn”.
Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, đây là những sai sót ở rất nhiều phương diện, về tư duy, ngôn ngữ, về quan điểm biên soạn và tính logic, tính hệ thống… Các yêu cầu đối với một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt đều không đạt.
Sách có đến 46 văn bản là chuyện ngụ ngôn dịch từ tiếng nước ngoài và gần một chục văn bản tiếng Việt có vấn đề về nội dung, nhân vật, ngôn ngữ, nhưng các tác giả chỉ cho thay có 5 văn bản (bằng 9 văn bản mới), còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.
Nội dung văn bản thay thế không mấy ăn nhập với văn bản cũ, chẳng hạn: Văn bản “Ve và gà” (1, 2) được thay bằng hai văn bản “Bờ Hồ” và “Chăm bà”, “Quạ và chó” được thay bằng văn bản “Phố Thợ Nhuộm”, văn bản “Hai con ngựa” (1, 2) được thay bằng “Mẹ thật là ấm” và “Sáng sớm trên biển”... Nếu khi biên soạn sách, các tác giả đã lựa chọn văn bản ngữ liệu phù hợp với chủ đề, kiến thức và kỹ năng thì với việc thay thế văn bản như trên thử hỏi sự phù hợp đó có còn không? Chắc chắn là không!
Ngoài bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản TP.HCM, 4 bộ sách còn lại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng được các giáo viên chỉ ra những sạn, đặc biệt ở môn Tiếng Việt 1.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo toàn bộ biên tập viên cùng tác giả 4 cuốn sách Tiếng Việt 1 thuộc các bộ sách tổ chức tự rà soát, lắng nghe và tiếp thu góp ý của giáo viên, phụ huynh để xem xét chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo khi tái bản.
Đồng thời, sau khi lắng nghe các ý kiến phản ánh từ giáo viên và chuyên gia, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát nội dung 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của do đơn vị này phát hành gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Những nội dung dự kiến điều chỉnh không nhiều, chủ yếu tập trung vào cắt bỏ một số từ có ngữ nghĩa chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Việc điều chỉnh sẽ không làm ảnh hưởng, xáo trộn về mặt cấu trúc các bài học trong sách giáo khoa hiện hành của học sinh, vị đại diện cho hay.
Giáo viên chủ động điều chỉnh
Trong thời gian chờ Bộ GD&ĐT cùng các nhà xuất bản chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1, giáo viên các trường cho biết vẫn tổ chức hoạt động dạy và học bình thường.
Theo cô Nguyễn Thị Hải Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), với những từ khó hiểu, giáo viên tự nghiên cứu thêm các tài liệu trên mạng, tài liệu ở 4 bộ sách còn lại để tự điều chỉnh, tìm từ thay thế hoặc hình ảnh chiếu màn hình để học sinh dễ tiếp cận.
Sau 6 tuần học, cô Quyên đánh giá, sách Tiếng Việt 1 mới dễ học hơn và yêu cầu không nặng bằng sách trước đây. Nếu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 trước đây yêu cầu học sinh vừa học âm vần, vừa tập viết thì sách mới chú trọng tập đọc và ghi nhớ chữ trước sau này mới cho các em tập viết. Hướng tiếp cận của sách cũ và sách mới khác nhay, nên có một số phụ huynh chưa hiểu đã thắc mắc vì sao đi học được 6 tuần mà các em chưa viết thạo như các anh chị trước đây.
Về ý kiến một số bài học dạy học sinh thói khôn lỏi, thiếu bài học mang tính nhân ái, cô Quyên cho rằng, chúng ta nên nhìn vào mục tiêu bài học là rèn học sinh kỹ năng nhận biết mặt chữ và đánh vần. Giáo viên sẽ chỉ dạy đánh vần, thay vì quan tâm nặng nề tới ngữ nghĩa.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Trinh, chủ nhiệm lớp 1A1, trường Tiểu học Lưu Quý An, (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bày tỏ, đây là năm đầu tiên áp dụng bộ sách, không tránh khỏi thiếu sót, chưa thật sự sát với thực tế. Nếu từ ngữ chưa phù hợp thì chúng ta có thể thay thế, chỉnh sửa để sách giáo khoa tốt hơn.
Ở chương trình mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, nên giáo viên hoàn toàn chủ động, có thể linh hoạt thay đổi bài học, không quá lệ thuộc.
Trước khi chờ đợi chỉnh sửa sách từ tác giả và nhà xuất bản, các giáo viên khối 1 tự tìm tòi từ ngữ, lựa chọn các văn bản khác để thay thế cho học sinh dễ hiểu hơn như từ “dưa đỏ” thay bằng “dưa hấu”, “ba, mẹ” thì đổi sang “bố, mẹ”…
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, năm nay toàn tỉnh có hơn 20 trường học sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều.
Khi xuất hiện những "lùm xùm" về bộ sách này, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các trường cho giáo viên linh động chỉnh sửa ngữ liệu bài học sao cho học sinh dễ hiểu.
Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất. Trong đó, sách giáo khoa có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
"Kể cả khi chưa có phản ứng của cộng đồng mạng, trong quá trình dạy, phần nào chưa ổn, giáo viên và nhà trường có thể thiết kế lại. Việc này chúng tôi đã tập huấn rất kỹ. Thậm chí cùng một bài học nhưng giáo viên lớp này dạy thời lượng một tiết, giáo viên kia dạy 1,5 tiết đều được”, ông Tuấn khẳng định.
Siết chặt thẩm định sách giáo khoa
Để tránh những "sạn" như sách Tiếng Việt 1 được dư luận phản ánh thời gian qua, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ thắt chặt hơn nữa việc thẩm định sách lớp 2 và lớp 6.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong lần thẩm định sách lớp 2 và lớp 6, Bộ yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, tranh luận, có sự phản biện giữa tác giả sách với Hội đồng thẩm định.
Thứ trưởng Độ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và 6.
Thứ nhất, thực hiện kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo, phối hợp các nhà xuất bản, tác giả tổ chức việc thực nghiệm (trước đây là nhà xuất bản và tác giả tự tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa lớp 1).
Thứ hai, cần tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi gửi lên Bộ thẩm định. Theo đó, các nhà xuất bản có trách nhiệm tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng nội dung sách. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa, có thể bằng cách đăng lên mạng bản mẫu sách giáo khoa dạng PDF để xin ý kiến góp ý, nắm bắt kênh thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Như vậy, sau gần 3 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới từ lớp 1 năm học 2020 – 2021 đã bộc lộ không ít sai sót, bất cập. Để khắc phục được những thiếu sót trên, Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản, giáo viên các trường và cả học sinh đã nỗ lực không ngừng để không làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và chất lượng giảng dạy.
Bình luận