Tại hội thảo “Đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 10/1, các chuyên gia cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, Nhà nước cần mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, giải quyết tranh chấp hợp đồng qua hòa giải, trọng tài thương mại…
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh quan trọng nhất là phải cải cách thể chế hơn nữa bằng việc minh bạch hóa các chính sách pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính thị trường trong nền kinh tế.
“Bên cạnh đó phải thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Đồng thời đẩy mạnh việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, trong đó tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Minh nói.
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica, thời gian qua kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
“Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%, cao hơn mức đóng góp 27,7% của các doanh nghiệp Nhà nước”, ông Bình nói.
Còn TS Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) nhận định, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ nhân dân bị nạn, tài trợ cho các giải thể thao, câu lạc bộ bóng đá, những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của đất nước”, bà Luyến nói.
Cũng theo bà Luyến, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân đã có thể làm được những việc mà trước đây chỉ Nhà nước mới được làm như: xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô, tham gia vào lĩnh vực hàng không...
Đặc biệt, phải nói đến lĩnh vực sản xuất ô tô, suốt mấy chục năm qua, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam” thì đến nay, các tập đoàn kinh tế tư nhân là Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực.
“Doanh nghiệp Việt đã có thể tự sản xuất ô tô, thậm chí, ô tô VinFast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm: chỉ cần 21 tháng để hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm…”, bà Luyến dẫn chứng.
Cũng đánh giá cao sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua, nhưng ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng xanh vẫn chỉ ra nhiều hạn chế về chất lượng của kinh tế tư nhân.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) chiếm 3/4 trong tổng số hơn 660.000 doanh nghiệp tư nhân. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Cùng với đó, khu vực kinh tế tư nhân thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài”, ông Dennis Quennet nói thêm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận xét trong khi kinh tế tư nhân đóng góp tích cực vào GDP, tạo việc làm, tham gia thị trường xuất khẩu thì trên thực tế nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho khu vực này khá khó khăn, ngặt nghèo. Bên cạnh đó, việc tự lực để tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng cũng không dễ. Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi; gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan. Đặc biệt, sự thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh dẫn đến các DN không kịp nắm bắt và thích nghi kịp.
Cùng với đó là trình độ lao động của các doanh nghiệp còn thấp, thiếu nhân lực giỏi, lao động ít được đào tạo bài bản, kỹ năng thấp. Do đó, doanh nghiệp khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học, năng suất lao động không cao.
“Doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...”, ông Tuấn nói.
Hiện, cả nước có khoảng hơn 660.000 doanh nghiệp tư nhân trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk…và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận