Đánh thức thiên đường ngủ quên
12 năm sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2009, trong một báo cáo thống kê, Đà Nẵng công bố quy mô toàn nền kinh tế tăng từ gần 2.600 tỷ đồng năm 1997 lên hơn 9.200 tỷ đồng năm 2009.
Trong đó, tăng trưởng từ du lịch đóng một phần rất nhỏ bé, chỉ 3,45% trong tỷ trọng GRDP của tỉnh. Nhìn vào những đóng góp khiêm tốn đó, ít ai có thể nghĩ được rằng, sau 10 năm (từ 2009 - 2019) du lịch lại là động lực chính, giúp “lột xác” hoàn toàn thành phố biển và làm thay đổi hẳn mức tăng trưởng ì ạch 12 năm không lên được nổi con số chục nghìn tỷ của Đà Nẵng.
Năm 2019, tổng lượt khách du lịch tới thủ phủ du lịch miền Trung đã đạt gần 8,7 triệu lượt, doanh thu khoảng 30.973 tỷ đồng. So với quy mô toàn nền kinh kế của thành phố là hơn 109.000 tỷ đồng, du lịch đã đóng góp tới gần 1/3.
Thành phố toàn những xóm nhà chồ nhếch nhác ngày nào giờ đã sở hữu bãi biển đẹp nhất hành tinh, Bà Nà Hills đẹp như “tiên cảnh” với những vườn hoa rực rỡ bốn mùa, những lâu đài mang phong cách Pháp tựa trong cổ tích, lễ hội tưng bừng bốn mùa, Cầu Vàng - cây cầu đi bộ khiến cả thế giới phát cuồng...
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng đánh giá: “Việc liên tiếp lọt vào các danh sách xếp hạng điểm đến của các tổ chức uy tín quốc tế là minh chứng cho thấy Đà Nẵng là điểm đến ngày càng được du khách quốc tế ưa chuộng, yêu thích và góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch thế giới”.
Nhìn vào những con số thay đổi ngoạn mục của du lịch Đà Nẵng một thập kỷ qua mới thấy rõ vai trò của các nhà đầu tư chiến lược đối với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói Đà Nẵng. Bởi xét về lịch sử phát triển du lịch, Đà Nẵng đi sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang… nhiều năm, nhưng trong một thập kỷ qua, thành phố này đã tuần tự giải bài toán thu hút đầu tư một cách thành công.
Nếu trước đây, đầu tư của Đà Nẵng chỉ lẻ tẻ vào những quán hàng và khách sạn 3 sao, giai đoạn 1997 - 2009 có tổng đầu tư phát triển xã hội cao nhất vào năm 2009 với 15.300 tỷ đồng/năm thì từ 2009 - 2019, thành phố này đã liên tục đón hàng loạt siêu dự án với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, Đà Nẵng đã đón 8.830 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 691 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Chiếm phần lớn trong đó là các dự án đầu tư cho du lịch.
Cú hích mạnh mẽ từ kinh tế tư nhân
Bước ngoặt mang tính chất quyết định đó bắt đầu vào khoảng năm 2007, khi chính quyền đã đổi mới tư duy, tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư lớn, và kêu gọi được những dự án hàng chục triệu USD mà tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ của Tập đoàn Sun Group là một hành động “mở đường”. Từ đó, những sản phẩm du lịch nổi tiếng liên tiếp được tạo ra.
Nhờ cú hích đó, hàng trăm dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị được triển khai, vùng đất ven sông Hàn bắt đầu thay da đổi thịt. Du lịch bắt đầu phát triển, khách thập phương mới “để mắt” tới Đà Nẵng. Những con đường mới được thắp sáng thông đêm, lấp lánh đủ loại đèn màu tấp nập bước chân du khách.
Thành phố chuyển mình lột xác thành nơi đáng sống, được ca ngợi là “thủ phủ du lịch của miền Trung”. Những xóm nghèo xưa giờ đã có các “đại gia” chuyên hàng thủ công mỹ nghệ, kinh doanh homestay, ẩm thực đặc sản. Thành phố giàu lên nhờ du lịch, người dân khấm khá lên cũng nhờ du lịch.
Với một công cuộc như vậy, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, cần tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa những nhà đầu tư chiến lược có khả năng về tài chính, có tâm, có tầm. Đây chính là “cú hích” cực kỳ quan trọng để Đà Nẵng hướng đến các mục tiêu đề ra. Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khi khẳng định cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định.
“Có nhiều yếu tố đã làm nên sự phát triển đột phá cũng như thương hiệu của du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua, tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò và đóng góp quan trọng của những nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, DHC Group… trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Đà Nẵng.
Sự xuất hiện của các công trình du lịch nổi tiếng do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và vận hành như Sun World Ba Na Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Vinpearl Luxury Đà Nẵng, Cầu Vàng, Sun World Danang Wonders, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài… góp phần làm tăng sức hấp dẫn, sự khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm du lịch Đà Nẵng. Chính những công trình du lịch đẳng cấp, chất lượng này đã giúp Đà Nẵng nhận được sự yêu thích của du khách quốc tế, thậm chí trở thành lý do chính để du khách đến với Đà Nẵng”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch địa phương nói riêng, chính các doanh nghiệp tư nhân lại đảm đương phần việc khó, sẵn sàng lĩnh vai trò xốc vác để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi vực dậy nền kinh tế ngay khi hết dịch.
Đại diện Công viên châu Á (Sun World Danang Wonders, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, cũng đang tiến hành cải tạo cảnh quan, chuẩn bị cho màn “tái xuất” khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Khi hoàn thành sẽ là “phiên bản mới”, trở thành một điểm đến vui chơi giải trí về đêm với nhiều hoạt động thu hút du khách như miễn phí vào cửa tham quan, tổ hợp chợ đêm sầm uất với qui mô lớn nhất Đà Nẵng, thế giới ẩm thực qui tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng, khu bar sành điệu, đẳng cấp cùng trò chơi trúng thưởng hiện đại…
Tập đoàn Sun Group kì vọng, với nhiều sản phẩm, dịch vụ về đêm hấp dẫn, mới mẻ, Công viên Châu Á sẽ trở thành điểm đến mới hút khách, giúp du khách đến với Đà Nẵng có nhiều lựa chọn hơn để trải nghiệm, từ đó chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn, góp phần bù đắp lại phần nào phần doanh thu bị sụt giảm bởi dịch Covid-19.
Bình luận