• Zalo

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ‘sốt ruột’ tìm cách khơi thông cho kinh tế tư nhân

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 12/03/2021 21:12:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết ông rất “sốt ruột” trong việc tìm hướng khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chiều 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguồn lực từ kinh tế tư nhân là rất lớn, tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc mà chưa tháo gỡ, khơi thông được.

Chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ trên các phương diện như về năng suất và tốc độ tăng năng suất, năng lực khoa học công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ‘sốt ruột’ tìm cách khơi thông cho kinh tế tư nhân - 1

Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, khu vực này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dần, bảo đảm an sinh xã hội…

Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hiếu đồng quan điểm với Bộ trưởng Dũng về những mặt hạn chế của kinh tế tư nhân. TS Hiếu cho rằng cần xác định đúng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp.

Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết. Cùng với đó, thẳng thắn nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân, xác lập vị thế cũng như tiềm lực, khả năng đóng góp vào nền kinh tế trong hiện tại cũng như tương lai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng của các doanh nghiệp nhỏ rất hạn chế, hơn nữa là bản thân họ chưa sẵn sàng. Bộ trưởng nhấn mạnh “phải thay đổi từ tư duy”, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Từ công tác xây dựng thể chế, chúng ta thay đổi theo hướng kiến tạo để họ phát triển.

Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD? Tôi rất sốt ruột”, Bộ trưởng nói.

Ông cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến tranh thương mại tạo ra làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ, đồng thời thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng cải thiện tốt hơn.

Cùng với đó, Việt Nam đã ký nhiều FTA tạo ra thị trường rộng lớn, mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội. “Đây là cơ hội vàng phải nắm lấy, tận dụng mọi thời cơ, cơ hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn